Xử lý ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Bình Long
Ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện và thường xuyên phối hợp sở, ngành và chính quyền địa phương theo dõi nắm tình hình môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) để kịp thời nhắc nhở khắc phục, xử lý vi phạm nếu có. Qua phối hợp công tác quản lý môi trường với sở, ngành và địa phương cho thấy, vấn đề rác thải hiện nay tại KCN Bình Long như cử tri phản ánh là việc phát sinh mùi hôi từ nhà máy chế biến bột cá, mỡ cá từ phụ phẩm cá tra, cá basa của Công ty TNHH Kovie Vina. Vấn đề mùi hôi phát sinh là từ hệ thống xử lý nước thải và quá trình hấp, sấy bột cá của công ty. Vừa qua, Ban QLKKT đã phối hợp chính quyền địa phương theo dõi, nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu công ty khắc phục. Kết quả qua nhiều lần khắc phục cải tạo, sửa chữa, đến nay công ty đã cơ bản khắc phục mùi hôi tại khu vực hệ thống xử lý nước thải, không làm phát tán ra bên ngoài nhà máy; còn lại khu vực sản xuất thì có mùi đặc trưng của bột cá. Tuy nhiên, Ban QLKKT tỉnh phối hợp huyện Châu Phú thuê Trung tâm Quan trắc Môi trường An Giang lấy mẫu tại ống khói sau hệ thống xử lý khí thải, mùi. Kết quả cho thấy, có 1 thông số NH3 vượt nhẹ 1,098 lần so với quy chuẩn. Ban QLKKT tỉnh đã có văn bản yêu cầu công ty phải tiến hành ngay việc kiểm tra xử lý khí thải, mùi khu vực sản xuất, vận hành đúng quy trình công nghệ xử lý đảm bảo khí thải, mùi đạt quy chuẩn môi trường. Sau khi cải tạo và vận hành ổn định, công ty đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu và phân tích lại thông số NH3, kết quả cho thấy nồng độ các thông số ô nhiễm tại khu vực sản xuất bột cá nằm trong ngưỡng cho phép so với quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Ngày 29-11-2019, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Ban QLKKT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương và địa phương tiến hành phúc tra việc thực hiện khắc phục các vấn đề tồn tại về môi trường, làm cơ sở xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Kết quả: mùi hôi tại khu vực hệ thống xử lý nước thải đã được thu gom, xử lý hiệu quả, mùi hôi đã giảm đáng kể; khí thải, bụi tại khu vực lò hơi và khí thải, mùi tại khu vực sản xuất (mùi bột cá) thì thông số quan trắc đạt chuẩn môi trường cho phép. Riêng vấn đề xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Ban QLKKT cử đại diện quản lý KCN trực tiếp theo dõi tình hình xả nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, tuy nhiên chưa phát hiện cũng như nhận phản ánh của người dân về vấn đề xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại KCN Bình Long.
Cần khảo sát các hộ dân nuôi cá lồng bè
Theo Quyết định số 2282/QĐ-UBND ngày 28-7-2017 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch nuôi thủy sản trên các tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, vùng nuôi lồng bè trên sông kênh xáng thuộc xã Tân An (TX. Tân Châu) được quy hoạch 20 lồng bè đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (đoạn kênh xáng , cách đoạn ra sông Tiền 1.700m, hướng về phía Tây kéo dài 1.500m), tuy nhiên qua báo cáo của địa phương thì hiện trạng số lồng bè đang neo đậu là 32 lồng bè. Vùng nuôi trên sông Tiền thuộc ấp Thị 1, 2; ấp An Phú, xã Hội An (Chợ Mới) không nằm trong vùng quy hoạch theo Quyết định số 2282, tuy nhiên qua báo cáo của địa phương thì hiện trạng số lồng bè đang neo đậu là 18 lồng bè.
Theo Sở TN&MT, dọc kênh xáng Tân An có 5 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 13.600m, cụ thể: đoạn phường Long Châu: dài 2,5km gồm nhánh trái từ kênh Thần Nông về thượng nguồn 1,5km và nhánh phải từ Xép Cỏ Găng về thượng nguồn 1km thuộc khóm Long Châu; đoạn xã Long An: từ kênh Thần Nông về hạ nguồn thuộc ấp Tân Hậu B, Tân Hậu A với tổng chiều dài 4,2km; đoạn xã Tân An: đoạn cảnh báo từ Xép Cỏ Găng về hạ nguồn qua khỏi nhà máy Đại Thành 2 khoảng 400m, dài 4,9km; đoạn xã Vĩnh Hậu: đoạn cảnh báo dài 1km thuộc ấp Vĩnh Lịnh; đoạn xã Châu Phong: đoạn cảnh báo dài 1km từ ngã 3 Sông Hậu - kênh Tân An (thuộc ấp Vĩnh Lợi 1) lên thượng nguồn.
Nguyên nhân của quá trình sạt lở trên kênh xáng Tân An chủ yếu do cấu tạo địa chất yếu, đáy sông sâu từ -16m đến -19m, chiều rộng kênh hẹp dao động từ 150m đến 250m, lưu lượng nước từ sông Tiền chuyển qua sông Hậu lớn, dòng chảy mạnh vào mùa lũ cùng với hoạt động giao thông thủy thường xuyên tạo sóng vỗ vào bờ, hoạt động của cư dân sinh sống ven bờ, neo đậu bè, giao thông bộ qua lại tác động lên đường bờ, làm gia tăng nguy cơ sạt lở tại đây. Dự báo diễn biến sạt lở kênh xáng Tân An còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Qua phản ánh của cử tri, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan, địa phương tổ chức đoàn đánh giá cụ thể nguyên nhân gây sạt lở tại khu vực kênh xáng Tân An để đề xuất giải pháp khắc phục. Đồng thời, rà soát, bố trí sắp xếp việc neo đậu bè theo đúng quy định.
K.N