Trả lời phản ánh của bà Lê Thị Sửng

02/03/2022 - 05:22

 - Báo An Giang nhận được đơn của vợ chồng bà Lê Thị Sửng và ông Võ Văn Rượu (ngụ ấp Khánh Châu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) không đồng ý với việc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Châu Phú liên kết với ngân hàng kê biên và chiết bán đất của nông dân, cùng một số vấn đề liên quan khác.

Tóm lược các khiếu nại của bà Lê Thị Sửng đến Báo An Giang, gồm các vấn đề tranh chấp đất, bị gây thương tích nhưng các cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để; không đồng thuận việc thi hành án.

Về vấn đề tranh chấp đất, bà Sửng cho biết, ông nội chồng của bà là Võ Văn Triều chia đất cho 4 người con, cha chồng bà là người con đầu (Võ Văn Tuấn), được chia chiều ngang mặt tiền 14m (hậu 16m), chiều dài khoảng 200m. Sau đó, ông Tuấn để lại cho vợ chồng bà sử dụng đến nay. “Năm 2002, khi nhà nước đo đại trà, vợ chồng tôi đi làm ăn xa. Các ông: Võ Công Trần, Võ Thanh Vân (anh em chú bác với ông Võ Văn Rượu) và người cô ruột khai chiếm luôn phần đất phía trước nhà, sau đó bán cho người khác, tôi phải chuộc lại và tiếp tục bị lấn chiếm.

Thế nhưng, UBND xã Khánh Hòa lại bênh vực, cho rằng họ đúng. Tôi không đồng ý việc UBND xã trả lời như vậy với cơ quan báo chí, yêu cầu những người này phải trả lại phần đất cha chồng tôi được chia, từ dưới mé kênh đến phía sau hậu, đồng thời bồi thường thiệt hại mất thu nhập từ trước tới nay.

Ngoài ra, Võ Văn Bảy (con của người anh chồng) cùng một số người khác tụ tập ăn nhậu, bắt trộm chó của tôi làm thịt ăn, hăm dọa đòi đánh, giết tôi, nên tôi đã rào đất lại, không cho họ tới lui trên đất. Gia đình của ông Bảy khiếu nại, bắt tôi phải dỡ bỏ hàng rào, trong khi đất của tôi thì tôi có quyền rào” - bà Sửng trình bày.

Ngoài ra, bà Sửng cho rằng, bị phía tranh chấp đất hành hung, công an xã, huyện không xử lý. Bà yêu cầu công an phải xử lý công khai theo quy định pháp luật đối với ông Bảy cùng một số người liên quan; buộc họ bồi thường tiền thuốc, danh dự cho bà, đồng thời xem xét việc Trưởng Công an xã Khánh Hòa bao che tội phạm, yêu cầu công an xã bồi thường tiền thuốc, danh dự khi bà bị còng trói trong thời gian giãn cách.

Một vụ việc khác, năm 2014, bà Sửng chơi hụi và đã trả dứt cho bà Nguyễn Thị Hà, nhưng đến năm 2016 bà Hà khởi kiện. Tòa án phân xử, buộc bà trả cho bà Hà 150 triệu đồng, nhưng Chi cục THADS huyện Châu Phú lại kê biên hơn 32.000m2 đất của bà, liên kết với ngân hàng tự ý lấy đất của bà bán cho người khác, trong khi bà vẫn đóng lãi đầy đủ hàng tháng.

Chi cục THADS huyện Châu Phú cho biết, hiện tại đơn vị đang thi hành án đối với ông Võ Văn Rượu và bà Lê Thị Sửng (người phải thi hành đối với 3 bản án, tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án, phải nộp tiền án phí hơn 79 triệu đồng; tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án). Do ông Rượu, bà Sửng không tự nguyện thi hành án, chấp hành viên xác minh về điều kiện thi hành án, được biết đương sự có tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) 32.112m2 đất lúa và đất trồng cây hàng năm, tọa lạc tại ấp Khánh Châu (xã Khánh Hòa). Số đất này đang bị thế chấp tại một ngân hàng chi nhánh TP. Châu Đốc vay 1,7 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho việc thi hành án, ngày 11-6-2018, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý QSDĐ 32.112m2 đất nêu trên, gồm các giấy chứng  nhận QSDĐ số CH03643 (diện tích 14.270m2), số CH03645 (diện tích 14.121m2) và số CH03644 (diện tích 3.721m2). Về QSDĐ số CH03644, ông Rượu, bà Sửng khi giao dịch tại ngân hàng, đã tự thỏa thuận sang nhượng cho người khác tại huyện Chợ Mới với giá 400 triệu đồng (do ngân hàng cung cấp); nộp tiền trả nợ cho ngân hàng là do các bên tự thỏa thuận và đến ngân hàng giải quyết, không có sự tham gia, chứng kiến của Chi cục THADS huyện Châu Phú.

Do đó, chấp hành viên ra quyết định thu hồi một phần quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lý QSDĐ diện tích 3.721m2. Ngày 11-5-2021, chấp hành viên phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành tiến hành kê biên xử lý QSDĐ, diện tích 28.391m2 của ông Rượu, bà Sửng để thi hành án.

Do các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá trị tài sản đã kê biên, việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, nên chấp hành viên hợp đồng với Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đông Á thẩm định giá tài sản đã kê biên để thi hành án (đã chừa lại 429m2 đất mồ mả), diện tích thẩm định còn lại 27.962m2. Kết quả thẩm định giá gần 2,7 tỷ đồng. Để việc thi hành án được giải quyết thấu tình đạt lý và đúng pháp luật, ngày 21-2-2022, chấp hành viên mời ông Rượu, bà Sửng và những người được thi hành án đến để giải quyết và thỏa thuận phương thức thi hành án.

Tại buổi làm việc, bên được thi hành án không đồng ý với phương thức thi hành án như bà Sửng trình bày (bà Sửng không ký tên vào biên bản làm việc). Chấp hành viên phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Về giá trị tài sản kê biên đã được thẩm định gần 2,7 tỷ đồng, nếu ông Rượu, bà Sửng hoặc những người được thi hành án chưa đồng ý với kết quả thẩm định giá thì được quyền yêu cầu thẩm định giá lại (phải có đơn yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá) và phải nộp ngay tạm ứng chi phí thẩm định giá lại (chi phí tạm tính gần 15 triệu đồng).

Nếu các bên không yêu cầu thẩm định giá lại tài sản thì tài sản sẽ được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm hơn 2,6 tỷ đồng. Ông Rượu, bà Sửng có quyền tự mình tìm người mua và thương lượng, tự định đoạt bán tài sản của mình để thi hành án. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, ông bà có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán chi phí thực tế, hợp lý phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Ông bà phải có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết, theo quy định tại Khoản 5, Điều 101 Luật THADS năm 2008.

Bài, ảnh: K.N