Theo người dân, xã Vĩnh Hòa nằm cặp sông Tiền, hàng năm vào mùa nước lũ, họ gặp không ít khó khăn do thiên tai, mất mùa, nhất là sạt lở đất bờ sông, làm mất đất canh tác, nhiều căn nhà bị sạt lở, rơi xuống sông. Theo ước tính, diện tích đất sạt lở xuống sông khoảng 10km2 kể từ năm 2000 đến nay. “Bà con chúng tôi vô cùng lo lắng và bức xúc, vì đất canh tác đã lở hết, hiện tại còn lại nền nhà để ở gần bờ sông Tiền, nguy cơ bị sạt lở về sau. Bà con nhiều lần kiến nghị đến UBND xã Vĩnh Hòa và họp dân lấy ý kiến. Đa số bà con không đồng tình việc khai thác cát, nhưng vẫn có công ty đến khai thác. Kính mong các cấp thẩm quyền sớm can thiệp, buộc họ ngưng hoạt động, để người dân chúng tôi yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống” - ông Sua bày tỏ.
Sau khi nhận đơn của các hộ dân, UBND TX. Tân Châu đã tiếp và đối thoại trực tiếp 3 hộ dân (đại diện bà con là những hộ có đất và nhà cặp bờ sông Tiền). Qua ý kiến của bà con, UBND TX. Tân Châu phân tích từng nội dung theo Quyết định 273/QĐ-BTNMT, ngày 8-2-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa” và Quyết định 1963/QĐ-UBND, ngày 20-8-2020 của UBND tỉnh phê duyệt phương án thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa, để các hộ dân biết và chấp hành theo chủ trương về nạo vét chỉnh trị dòng chảy.
Tuy nhiên, 3 hộ dân đại diện không đồng ý, yêu cầu phải họp dân lấy ý kiến. Ngày 26-10-2021, UBND TX. Tân Châu phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị thực hiện dự án (Công ty TNHH Châu Phát, Công ty TNHH Xây dựng Tân Hàn Châu), UBND xã Vĩnh Hòa tổ chức họp dân có đất và nhà cặp bờ sông Tiền tại khu vực xã Vĩnh Hòa. Qua đó, có 53 hộ dân đại diện 112 hộ đến tham dự. Bà con đề nghị công bố thời gian, quy mô, vị trí khai thác thực hiện dự án; bỏ phao phía bờ xã Vĩnh Hòa để người dân giám sát; nếu nạo vét xảy ra sạt lở ai là người chịu trách nhiệm?
Tại buổi họp dân, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua cơ sở pháp lý thực hiện dự án, chứ không phải là dự án khai thác cát như phản ánh của các hộ dân. Khi đơn vị thi công nạo vét, người dân có thể giám sát trực tiếp, thông qua thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống được lắp đặt. Vị trí nạo vét về phía bên cồn Vĩnh Hòa 100m, cách bờ đất liền Vĩnh Hòa 300m, nên không thể xảy ra tình trạng sạt lở mà bà con lo ngại. Nếu trong quá trình nạo vét do tác động xảy ra sạt lở thì đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công cam kết bồi thường thiệt hại cho bà con.
Đề nghị UBND xã Vĩnh Hòa thành lập ban giám sát nhân dân để bà con cùng tham gia giám sát thi công. Khi tiến hành nạo vét sẽ thả phao luồng để người dân giám sát việc nạo vét của đơn vị thi công. UBND TX. Tân Châu vận động bà con nhân dân chấp hành theo chủ trương để đơn vị thi công tiến hành nạo vét, vì đây là dự án chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở phía bờ Vĩnh Hòa.
Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang có tờ trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương sử dụng chi phí đóng góp tự nguyện của liên danh Công ty TNHH Châu Phát và Công ty TNHH Xây dựng Tân Hàn Châu thuộc dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Theo đó, TX. Tân Châu sẽ chi hỗ trợ cho người dân xã Vĩnh Hòa (khu vực nạo vét chỉnh trị) có đất bị sạt lở trong thời gian 5 năm thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy.
Bờ Vĩnh Hòa nằm phía bờ lõm của đoạn sông cong. Hiện nay, dòng chảy hướng thẳng vào bờ Vĩnh Hòa gây xói sâu và sạt lở bờ Vĩnh Hòa từ 1-3m/năm. Khu vực nạo vét thuộc bờ lồi (bờ cồn Liệt Sĩ) của đoạn sông cong. Chiều dài khu vực nạo vét 3,5km, biên khu vực nạo vét cách bờ cồn Liệt Sĩ gần nhất 100m, biên khu vực nạo vét cách bờ Vĩnh Hòa gần nhất 300m. Chiều sâu đáy sông hiện trạng khu vực bờ Vĩnh Hòa -16m. Chiều sâu nạo vét tối đa là -13m. Vì vậy, công tác nạo vét chỉnh trị có tác dụng chia bớt lưu lượng dòng chảy về phía cồn Liệt Sĩ, giảm lưu lượng và vận tốc dòng chảy phía bờ Vĩnh Hòa, làm giảm nguy cơ sạt lở bờ Vĩnh Hòa. |
Bài, ảnh: K.N