Ông Sơn trình bày: “Vừa qua, tôi lên liếp trồng khoảng 350 cây đu dủ trên phần đất của cha mẹ tôi để lại. Xung quanh có đường mương thoát nước ra vào để bơm nước tưới cây. Ông Nguyễn Văn Béo đến thuê đất trồng cây bên cạnh đất của tôi, rồi tự ý lấp đường nước. Nước không thông thương được, gây ngập úng làm thiệt hại vườn đu đủ của tôi. Tôi đến gặp chủ đất cho ông Béo thuê để nói chuyện, yêu cầu ông Béo không được lấp đường nước của tôi. Ông Béo thừa nhận lấp đường nước để nước không tràn vào đất ông đang trồng ớt. Những tưởng sau lần nói chuyện đó thì mọi việc ổn thỏa, thế nhưng, đến trận mưa đầu mùa tháng 8-2021, vừa qua, ông Béo tiếp tục lấp đường nước lần nữa, làm chết hết vườn cây đu đủ của tôi. Rất mong cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, có biện pháp xử lý vụ việc; buộc ông Béo phải bồi thường thiệt hại cho tôi”.
Phía ông Nguyễn Văn Béo phản bác: “Việc ông Sơn cho rằng tôi lấp đường nước của gia đình ông là không có cơ sở, không đúng sự thật. Tôi hoàn toàn không làm hành động này. Trước đó, Ban Nhân dân ấp đã giải quyết, đôi bên thống nhất với nhau rồi. Thực tế, ông Sơn khai mở đường nước qua đất tôi đang trồng ớt, gây thiệt hại cho tôi, nhưng tôi không nói gì. Tôi yêu cầu ông Sơn không được khai đường nước qua nữa, ông làm gì làm bên phần đất của ông. Vì vậy, việc ông Sơn yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại là không thể chấp nhận”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Định Thành cho biết, tiếp nhận phản ánh của ông Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ chuyên môn xã Định Thành đến xác minh, nhưng lúc bấy giờ vườn đu đủ không còn hiện trạng theo phản ánh. Thông tin từ Ban Nhân dân ấp Hòa Long, thời điểm xảy ra vụ việc (hơn 2 tháng trước), ông Sơn báo vụ việc, Ban Nhân dân ấp đến kiểm tra nhưng không xác định được có việc lấp đường nước hay không. Mặt khác, phía ông Nguyễn Văn Béo không thừa nhận lấp đường nước, nên không có cơ sở buộc ông Béo khắc phục, bồi thường theo yêu cầu của ông Sơn. Địa phương đã có buổi làm việc giữa đôi bên, hòa giải ổn thỏa, thống nhất xong.
Trưởng ban Nhân dân ấp Hòa Long Trần Văn Be cho hay: “Sau khi nhận được phản ánh của ông Trần Thanh Sơn, địa phương mời đôi bên đến hòa giải, ghi nhận vụ việc, đồng thời động viên, giải thích trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm. Qua xác minh tại hiện trường thời điểm ông Sơn phản ánh, thực tế cây đu đủ của ông Sơn bị chết nhiều, nguyên nhân do đường nước nhỏ, mưa nhiều, nước thoát ra không kịp gây ngập úng. Không phát hiện có dấu hiệu bị lấp bít đường nước như ông Sơn phản ánh. Hơn nữa, ông Sơn không chứng minh được hành vi của ông Béo, chỉ nghi ngờ do ông Béo làm bởi 2 bên canh tác giáp ranh nhau. Tại buổi làm việc, ông Sơn quyết định sẽ nạo vét khai thông lại đường nước của gia đình để đảm bảo vườn nhà không bị đọng nước. Đồng thời, yêu cầu ông Béo không được lấp đường nước nữa, nếu có xảy ra là do ông Béo làm chứ không ai khác. Phía ông Béo cũng thống nhất, nếu phát hiện ông lấp đường nước thì ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Trưởng đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi quyền lợi của cá nhân hoặc tổ chức (gọi chung là đương sự) bị cá nhân hoặc tổ chức khác xâm phạm, họ có quyền gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ; tòa án chỉ giải quyết vụ kiện trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự. Trường hợp ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, tài sản của ông đã bị ông Nguyễn Văn Béo lấp đường nước gây ngập úng làm thiệt hại 350 cây đu đủ, ông Sơn phải chứng minh được các yếu tố vi phạm, như: Ông Béo có hành vi trái pháp luật, thiệt hại thực tế của ông Sơn có xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của ông Béo và thiệt hại tài sản của ông Sơn từ hành vi trái pháp luật của ông Béo, hành vi lấp đường nước của ông Béo là hành vi có lỗi. Trong quá trình giải quyết của tòa án, các bên cần cung cấp tài liệu chứng cứ để tự bảo vệ cho mình. Trên cơ sở tài liệu do các bên cung cấp hoặc chứng cứ do tòa án thu thập, tòa án sẽ xem xét không chấp thuận hoặc chấp nhận một phần hoặc chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Sơn đối với yêu cầu ông Béo bồi thường.
Bài, ảnh: K.N