Theo trình bày của ông Trần Văn Ngon, trước đây, mẹ ông được chia gần 8.000m2 đất ruộng, tọa lạc tại ấp Vĩnh lạc (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn). Bà ở trên đất từ năm 1990, được cấp giấy biên nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào năm 1994, chưa kể phần đất thổ cư. Khi nhà nước thu hồi một phần đất ruộng (khoảng 1.000m2) để tôn nền, cấp bán lại cho người dân, phần còn lại gia đình ông sử dụng cho đến nay. Nhiều năm trước, ông Phan Văn Lựa (cậu ruột, nhà gần bên) cất nhà trên đất của mẹ ông. Do khiếu nại không được giải quyết, vụ việc kéo dài đến khi ông Lựa cất hoàn thành xong. Vì nghèo, lo làm ăn nên gia đình ông Ngon bỏ qua, không tới lui khiếu nại nữa.
“Đến tháng 3-2021, ông Lựa tiếp tục cất thêm căn nhà nữa trên đất của mẹ tôi để lại cho tôi. Tôi gửi đơn khiếu nại đến UBND xã Vĩnh Gia nhờ can thiệp, nhưng UBND xã giải quyết không thỏa đáng theo yêu cầu của tôi. Vì vậy, tôi khiếu nại đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tri Tôn, nhưng TAND hướng dẫn qua UBND huyện. UBND huyện lại kêu qua TAND huyện. Đến giờ, chưa nơi nào giải quyết cho tôi. Kính mong các cấp thẩm quyền quan tâm, sớm giải quyết việc tranh chấp QSDĐ giữa tôi với ông Lựa” - ông Ngon bức xúc.
Phía ông Lựa cho rằng: “Nguồn gốc đất này do tôi trực tiếp quản lý từ ông bà, cha mẹ để lại, đồng thời khai phá thêm từ năm 1970 đến nay. Phần đất ngang 261m, dài 48m, chưa kể rất nhiều phần đất ruộng phía sau. Tôi chia cho mấy anh chị em trong gia đình một ít để sử dụng, riêng phần của người chị thứ 5 (mẹ của Ngon) được tôi cho 5 công đất ruộng. Năm 1997, nhà nước trưng dụng đất ruộng của dân để tôn nền nhà vượt lũ, sau đó bán lại cho hộ dân để ở, tôi cũng bị trưng dụng và được xét bán lại 2 nền. Mỗi nền ngang 10m, dài 30m, gia đình con cái ở chung trên 2 nền nhà này, nay cũng bị xuống cấp. Phần của chị tôi cũng bị trưng dụng hơn 2 công đất, được xét bán lại 2 nền nhà (hiện 2 anh em Ngon đang ở). Do vậy, phần đất phía trước cặp lộ vẫn còn thuộc quyền sử dụng của tôi, phía ông Ngon làm gì có đất mà cho rằng tôi chiếm dụng”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Vĩnh Gia cho biết, vừa qua, UBND xã tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Ngon, cho rằng hộ ông Phan Văn Lựa đang cất nhà trên phần đất ruộng gia đình ông (đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Tri Tôn cấp giấy biên nhận đăng ký QSDĐ vào ngày 29-3-1994), đồng thời yêu cầu ngăn chặn dừng thi công công trình của ông Lựa. Địa phương đã mời đôi bên đến hòa giải. Phía ông Ngon yêu cầu ông Lựa không được cất nhà trên đất của ông (căn cứ vào tờ biên nhận đăng ký QSDĐ của huyện cấp vào năm 1994).
Trong quá trình sử dụng đất, mẹ ông Ngon có để lại cho ông phần đất (chiều ngang khoảng 11m dọc theo Quốc lộ N1, chiều dài khoảng 65m) vào năm 2002, ông Ngon đã sử dụng đến nay không ai tranh chấp. Thế nhưng, khi ông Ngon làm thủ tục đăng ký để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhờ ông Lựa ký giáp ranh tứ cận thì ông Lựa không đồng ý ký. Khi phía ông Lựa cất nhà thì ông Ngon ngăn cản, vì vậy phát sinh tranh chấp.
Phía ông Lựa cho rằng, đất này ông khai phá từ xa xưa, sau đó chia lại cho chị em để ở, trong đó có mẹ của ông Ngon. Phần diện tích hiện ông đang cất nhà là của ông, không dính dấp gì đến phần đã cho mẹ của ông Ngon. Hội đồng hòa giải xã đã động viên, giải thích, tuy nhiên không đi đến thống nhất. Địa phương ra thông báo hòa giải không thành, đồng thời hướng dẫn: Nếu không thống nhất thì có quyền khiếu nại về huyện để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền quy định.
Vừa qua, TAND huyện Tri Tôn đã tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Ngon, có nội dung cho rằng: “Một số cán bộ xã lừa gạt lấy đất của ông cấp lại cho ông Phan Văn Lựa để cất nhà”, ông cũng yêu cầu ông Lựa tháo dỡ, di dời nhà, trả đất lại cho ông. Tuy nhiên, trong đơn nêu không rõ ràng nên TAND huyện hướng dẫn ông Ngon làm lại đơn, nêu rõ vấn đề ông khiếu nại để TAND xử lý theo quy định. Tuy nhiên, ông Ngon vẫn chưa thực hiện đúng theo nội dung yêu cầu. Khi dịch bệnh được kiểm soát, TAND huyện sẽ mời ông Ngon đến làm việc cụ thể mới có cơ sở thụ lý, giải quyết.
Bài, ảnh: K.N