Theo các hộ trình bày, vào năm 1988-1989, địa phương kêu gọi tiểu thương góp vốn mua lô sạp trong nhà lồng chợ Cần Xây để kinh doanh mua bán. Mỗi lô sạp có chiều ngang 1,8m, dài 2,5m, góp bằng vàng (tương đương 2 chỉ vàng 24K). Trong biên bản thỏa thuận mua bán, có ghi rõ: hộ kinh doanh toàn quyền sử dụng (vô thời hạn) sau khi hoàn tất thủ tục mua bán với UBND phường.
“Ngày 6-9-2019, Chủ tịch UBND phường chủ trì họp, đối thoại với chúng tôi, yêu cầu phải tháo dỡ lô sạp để trả mặt bằng cho phường thi công thành lập chợ mới. Chợ xây xong sẽ cho thuê mặt bằng (7,5m2 với giá 396.000 đồng/tháng/lô). Điều này thật sự bất hợp lý, vì trước kia chúng tôi đã mua lô sạp của phường, nay lại phải di dời xây dựng. Trong khi đó, những tháng tháo dỡ, di dời làm thiệt hại kinh doanh, sau đó chúng tôi phải thuê lại mặt bằng để mua bán, như vậy mặt bằng trước đây chúng tôi mua thì sao? Chúng tôi thiết tha kiến nghị các ngành chức năng xem xét thấu lý đạt tình, yêu cầu UBND phường Bình Đức hoàn trả tiền chúng tôi đã đầu tư (theo thời điểm hiện tại tương đương 60 triệu đồng). Nếu không bồi hoàn thì sau khi chợ xây cất xong, bố trí chúng tôi vào kinh doanh nhưng sau 5 năm mới thu tiền hàng tháng theo mức giá đưa ra, mức giá này phải ổn định 10 năm sau mới được tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chúng đã có công đóng góp hình thành nên chợ đến ngày nay” - các hộ tiểu thương đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, UBND phường Bình Đức cho biết, chợ Cần Xây (trước đây là chợ Bình Thạnh) nằm tại khu vực khóm Bình Đức 4, được hình thành vào khoảng năm 1988-1989, diện tích hơn 1.000m2. Thời điểm này, UBND phường kêu gọi hộ dân mua bán gần khu vực chợ có nhu cầu kinh doanh mua bán đăng ký đầu tư góp vốn để xây dựng chợ (do UBND phường làm chủ đầu tư), với phương thức 1 lô sạp ngang 1,8m, dài 2,5m, góp vốn tương đương 2 chỉ vàng 24k. Sau khi họ góp vốn, phường tiến hành xây dựng chợ rồi giao lô, kios cho các hộ kinh doanh mua bán đến nay. Hiện tại, chợ Cần Xây là công trình cấp IV đã xuống cấp, nhiều nơi hư hỏng, ẩm thấp và thoát nước không tốt, bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Trong nhà lồng, cột bê-tông không còn an toàn, khung kèo gỗ xiêu vẹo, mái lợp tole cũ kỹ, gỉ sét. Căn cứ Kế hoạch số 120/KH-UBND của UBND TP. Long Xuyên (về việc cải tạo nâng cấp, xây dựng mới và sắp xếp tổng thể hệ thống chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020), phường xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Ngày 30-8-2017, UBND thành phố ký Quyết định số 1546 phê duyệt chủ trương đầu tư công trình nâng cấp, cải tạo chợ Cần Xây, tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng, niên độ thực hiện 2017-2019. Tổng diện tích xây dựng chợ 763,2m2, phần còn lại là lối đi xung quanh chợ và bãi xe.
Năm 2019, chợ được bố trí vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn 5 năm, phường đã tổ chức thực hiện các thủ tục để triển khai thi công công trình. UBND phường mời các hộ tiểu thương họp, thông qua chủ trương, phương án và thời gian di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, thông báo mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 21-5-2018 của UBND tỉnh mà các hộ tiểu thương phải nộp (chỉ áp giá vị trí 2 là 396.000 đồng/lô) sau khi chợ thi công xong và bố trí trở lại mua bán. Đa số hộ tiểu thương thống nhất theo chủ trương và đã di dời (76/85 hộ di dời xong). Tuy nhiên, 9 hộ kinh doanh tại sân trước và trong nhà lồng yêu cầu bồi hoàn tiền góp vốn sử dụng lô sạp trước đây, vì cho rằng thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo Quyết định số 12 là chưa phù hợp. Sau đó, các hộ này đơn gửi UBND thành phố xem xét. UBND phường đã mời họ đến trao đổi, tuyên truyền giải thích. Qua các buổi làm việc, các hộ có ý kiến đề nghị giảm giá sử dụng dịch vụ diện tích bán hàng, do đặc thù chợ Cần Xây chỉ kinh doanh 1 buổi; đồng thời xem xét việc thu giá dịch vụ có thời hạn 10 năm đối với các hộ tiểu thương trước đây có góp vốn xây dựng chợ hoặc bồi hoàn số tiền góp vốn tương đương 60 triệu đồng/lô.
Ngày 26-8-2019, UBND thành phố có buổi tiếp công dân do Phó Chủ tịch Nguyễn Bảo Sinh chủ trì, đã trả lời rõ đến 9 hộ trên. Tiếp đó, lãnh đạo UBND phường tổ chức đối thoại cùng 9 hộ tiểu thương (có Phòng Kinh tế tham dự), giải thích: yêu cầu của các hộ không có cơ sở xem xét giải quyết. Bởi năm 1988- 1989, tiểu thương góp vốn để xây dựng chợ, được giao lô kinh doanh, nhưng từ đó đến nay các hộ này không phải nộp cho địa phương khoản thu nào (trừ hoa chi). Hiện nay do chợ xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo cho tiểu thương kinh doanh. Vì vậy, thành phố đã có chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của các tiểu thương. Khi xây dựng xong, vẫn bố trí lại cho các hộ hiện tại vào mua bán kinh doanh, phường không sử dụng vào mục đích khác. Từ trước đến nay, tiểu thương thực hiện đóng hoa chi mặt bằng. Nhưng nay thực hiện theo Quyết định số 12 của UBND tỉnh, nên các tiểu thương phải có nghĩa vụ thực hiện khi mua bán tại chợ (do lô sạp cố định). Đồng thời, vận động các hộ tự tháo dỡ kios (chậm nhất đến ngày 10-9-2019) bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, triển khai thực hiện để công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí các hộ buôn bán tại chợ trước Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 hộ chưa chấp hành tháo dỡ, di dời. UBND phường đã có tờ trình kiến nghị UBND TP. Long Xuyên cho chủ trương thực hiện các bước tiếp theo.
Bài, ảnh: K.N