Trách nhiệm của quân nhân với lịch sử

19/08/2024 - 08:50

Gánh trên vai sứ mệnh, trọng trách bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam càng cần học tập, tìm hiểu, thấm nhuần về lịch sử, truyền thống để phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vận dụng, phát huy trong thực hiện nhiệm vụ, công việc hằng ngày...

Nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 / 2-9-2024), Trang “Ý kiến chiến sĩ” giới thiệu một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Chuẩn đô đốc TRẦN XUÂN VĂN, Chính ủy Vùng 1 Hải quân:

Bồi đắp phẩm chất, nhân cách quân nhân

Lịch sử đất nước, truyền thống của Quân đội, đơn vị là một trong những điểm tựa tinh thần cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng, lòng yêu nước, ý chí chịu đựng gian khổ, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chính vì vậy, việc giáo dục lịch sử, truyền thống có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở Vùng 1 Hải quân đã chủ động, sáng tạo trong đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, truyền thống.

Chúng tôi kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục thường xuyên, đưa các nội dung giáo dục truyền thống vào những hoạt động hằng ngày của bộ đội. Các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào các ngày chính trị và văn hóa, tinh thần, các diễn đàn, tọa đàm...; tổ chức cho bộ đội tham quan, học tập tại Bảo tàng Hải quân, các di tích lịch sử trên địa bàn đóng quân. Đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu (ngày 2 và 5-8-1964) của Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã lồng ghép việc giáo dục, học tập truyền thống vào mọi hoạt động của bộ đội, trở thành cao trào thi đua lập thành tích trên tất cả các mặt công tác.

Trách nhiệm của quân nhân với lịch sử

Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân phối hợp với Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) tổ chức huấn luyện hiệp đồng đổ bộ đường không. Ảnh: ĐOÀN HIỆP 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Cách mạng Tháng Tám đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, vận mệnh quốc gia-dân tộc. Phát huy những giá trị và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám, cán bộ, chiến sĩ Vùng 1 Hải quân hôm nay sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện “toàn quân một ý chí”, “quân với dân một ý chí” để tiếp tục tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh” và thực hiện tốt công tác hậu cần-kỹ thuật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng; tích cực tham gia tuần tra chung, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định... góp phần củng cố lòng tin, nâng cao vị thế và uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại úy SA MINH QUÂN, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Mú Sung, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai:

Củng cố mối quan hệ máu thịt quân-dân

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại bài học lớn về sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Vận dụng bài học kinh nghiệm đó, chúng tôi khắc ghi phương châm dựa vào dân, xây dựng thế trận biên phòng từ "thế trận lòng dân" để tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Điển hình như nhiều năm qua, Đồn Biên phòng A Mú Sung và cấp ủy, chính quyền đã vận động, giúp đỡ người dân thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả có thị trường tiêu thụ lớn như mít, xoài, cam, bưởi... bước đầu đạt hiệu quả tích cực, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, thôn Lũng Pô cũng là điểm sáng về gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Mông, đồng thời, bài trừ, xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng. Trên địa bàn thôn hiện nay không còn tình trạng tảo hôn, ép cưới và thách cưới cao, cúng bái, ma chay tốn kém... Từ chỗ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, xuất cảnh trái phép, đến nay, Lũng Pô trở thành địa bàn không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được bảo đảm, không có trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, người dân tích cực tham gia tuần tra biên giới, phát quang đường biên, cung cấp cho Đồn Biên phòng A Mú Sung nhiều thông tin có giá trị. Những việc làm của bà con ở thôn Lũng Pô là minh chứng cho việc phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thượng úy PHẠM KHẮC PHÚC, Biên đội trưởng Biên đội 2, Phi đội 2, Trung đoàn 930, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ

Là quân nhân-phi công quân sự, tôi luôn tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, trong đó có những thành quả và ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị to lớn đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn rèn luyện nghiêm ngặt để có đủ sức khỏe, kỹ năng và bản lĩnh phục vụ SSCĐ, bay huấn luyện hiệu quả. Tôi luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị những chủ trương, biện pháp cụ thể, sát thực và hiệu quả trong công tác huấn luyện và bảo đảm an toàn bay, góp phần nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ của đơn vị. Tôi luôn tập trung học tập, ôn luyện thuần thục động tác bay, phương pháp xử lý bất trắc, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với đồng chí, đồng đội trong quá trình thực hành bay. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ trực ban SSCĐ, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ trước mọi tình huống; luôn hoàn thành tốt kế hoạch, chương trình bay trong từng năm, chủ động tìm tòi, tích cực, sáng tạo trong học tập, quyết tâm vượt khó vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tham gia các nhiệm vụ bay trinh sát tuần tiễu biển xa, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời; tham gia huấn luyện bay bắn, ném bom, đạn thật bảo đảm an toàn tuyệt đối... Hơn tất cả, đó là niềm đam mê bay, đam mê làm chủ bầu trời; niềm tin vào chính mình, vào khả năng và bản lĩnh được xây nên bằng cả hành trình gắn bó với bầu trời. Đó còn là niềm tin từ mặt đất, với chỉ huy bay-những người được coi là điểm tựa cho phi công trong mỗi chuyến bay...

Thượng úy NGUYỄN VỦ LUẬN, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950, Quân khu 9:

Giúp bộ đội hiểu rõ lịch sử

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc của nhân dân ta. Trên cương vị chính trị viên đại đội, tôi luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa của công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cho bộ đội. Để tránh sự khô khan, sơ sài trong bài giảng, tôi tập trung nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu, câu chuyện theo từng giai đoạn lịch sử để đưa vào giáo án; thục luyện phương pháp sư phạm... Tôi không chỉ truyền đạt nội dung mà còn đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở để chiến sĩ trao đổi, thảo luận dân chủ, bày tỏ suy nghĩ, hiểu biết của mình trước khi thống nhất nội dung; tổ chức giao lưu, tọa đàm, các trò chơi, thi tìm hiểu truyền thống qua những buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ... Thời gian này, đơn vị cũng tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ cho bộ đội xem các bộ phim lịch sử như “Ngày Độc lập 2-9-1945”, “Sao Tháng Tám”... qua đó góp phần giúp bộ đội thêm quyết tâm trong thực hiện các nhiệm vụ.

Binh nhất NGẦN VĂN THIỆU, Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công, Bộ Tham mưu Quân khu 3:

Nỗ lực rèn luyện nghiêm, huấn luyện giỏi

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thay đổi lịch sử đất nước, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kế thừa và phát huy thành quả, ý nghĩa lịch sử đó, tôi xác định phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, tích cực học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết để tuyên truyền cho bạn bè, người thân hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh. Là đơn vị chiến đấu, quá trình huấn luyện vất vả, nhiều nội dung khó, đòi hỏi cả về thể lực, kỹ thuật chiến đấu tốt cùng ý chí, bản lĩnh vững vàng, đáp ứng yêu cầu đó, tôi luôn nghiêm túc chấp hành thời gian, chế độ huấn luyện, sinh hoạt của đơn vị; đoàn kết, chia sẻ khó khăn và chủ động học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ đồng đội và các đồng chí cán bộ để ngày càng hoàn thiện bản thân...

-----------------------------------------

“Con người có tổ có tông...”

Lịch sử là cốt cách, bản lĩnh, khí phách của cả dân tộc. Thông qua lịch sử, chúng ta hiểu quá khứ, từ đó tự hào hơn về dân tộc, đất nước mình, biết yêu Tổ quốc, thương giống nòi; hình thành bản lĩnh, bản sắc để không bị hòa tan trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Học tập, nghiên cứu lịch sử còn là cơ hội để mỗi chúng ta hiểu rõ quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, hiểu vì sao mình lại như thế trong hiện tại, từ đó biết rút kinh nghiệm để sống tốt hơn và kiến tạo tương lai. Đối với quân nhân, truyền thống lịch sử còn góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng, tạo niềm tin, ý chí, quyết tâm chịu đựng, khắc phục khó khăn, gian khổ, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trách nhiệm của quân nhân với lịch sử

Lực lượng xử lý bom, mìn, vật nổ của Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 xử lý bom còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HỮU TÀI 

Trong thâm tâm và suy nghĩ của mỗi người Việt Nam chúng ta, ngoài niềm tự hào về truyền thống gia đình, dòng tộc, còn có lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Ca dao có câu: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, mang ý nghĩa nhắc nhở con người phải luôn ghi nhớ công ơn của các bậc sinh thành, dưỡng dục, biết về gốc gác, truyền thống gia đình, tổ tiên và rộng hơn là lịch sử quê hương, đất nước. Nếu không hiểu biết về gốc gác, lịch sử thì con người cũng như cái cây bị mục gốc, sớm muộn cũng chết khô, không thể phát triển xanh tốt, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái.

Theo Quân đội nhân dân