Trách nhiệm triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa

23/05/2024 - 06:41

 - Việc triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khẳng định vị thế, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Trong đó, có vai trò, trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, tổ chức nông dân, doanh nghiệp (DN)...

Những nhiệm vụ ưu tiên

UBND tỉnh An Giang quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa) trên địa bàn tỉnh nhằm chỉ đạo thực hiện các công việc chung của đề án, chỉ đạo phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị, sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đạt hiệu quả cao nhất.

Cơ cấu Ban Chỉ đạo, gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh (Trưởng ban); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm Phó Trưởng ban; các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, lãnh đạo UBND các địa phương...

Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu thành lập Ban Quản lý thực hiện đề án, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023. Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án và tổ giúp việc cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Xây dựng vùng nguyên liệu trồng lúa chất lượng cao

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy giao các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về nội dung đề án ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), đối tượng tuyên truyền, gồm: Nhân dân, HTX, tổ hợp tác (THT), DN, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đồng thời, khảo sát vùng tham gia đề án, đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo tiêu chí, cơ sở dữ liệu nền, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối giao thông nội đồng với trục giao thông trong vùng, hệ thống thủy lợi, đê bao, bờ bao, cống điều tiết, điện phục vụ, áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ... nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tỉnh chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn tiếp thu các quy trình kỹ thuật, tài liệu do các cơ quan chuyên môn Trung ương chuyển giao nhằm hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn khác cho nông dân, HTX, THT trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Các đơn vị đề cử một số cán bộ kỹ thuật tham gia tập huấn về hệ thống MRV (hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính) và hỗ trợ chi phí thi để được cấp chứng chỉ kiểm định về tín chỉ carbon.

Chung sức hành động

Trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa, Sở NN&PTNT được giao phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, báo cáo, đánh giá kết quả; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề về mặt kỹ thuật phát sinh trong quá trình thực hiện; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp phòng NN&PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh lồng ghép chuỗi sản xuất lúa bền vững và nâng cấp các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sở NN&PTNT làm đầu mối ghi nhận khó khăn, vướng mắc; kịp thời tham mưu, đề xuất đến UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo việc triển khai thực hiện đề án được thông suốt, hiệu quả.

Các sở, ngành, địa phương được giao phối hợp tuyên truyền, triển khai các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng “Cánh đồng lớn”, kêu gọi các DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết; thành lập mới các HTX gắn với phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên kết với DN sản xuất - kinh doanh (SXKD) lúa gạo đăng ký tham gia trên địa bàn tỉnh; vận động nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn tiên tiến, như: SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... vào sản xuất.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại truyền thống kết hợp phương thức hiện đại thông qua áp dụng nền tảng số, trực tuyến để hỗ trợ các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo An Giang tại thị trường thương mại gạo toàn cầu.

Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp điều kiện của từng địa phương; đưa vào nghị quyết thực hiện nhiệm vụ hàng năm, chỉ đạo toàn bộ hệ thống tại địa phương thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, giới thiệu vùng chuyên canh được xác định cho DN, làm cầu nối liên kết giữa DN với HTX và chứng nhận các hợp đồng liên kết. Địa phương chủ động rà soát, xác định hiện trạng và đề xuất các công trình, hạng mục công trình cần đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng của các tiểu vùng tham gia đề án để phục vụ cho sản xuất, đảm bảo thực hiện tiêu chí của đề án.

Các hiệp hội, DN liên quan đến SXKD lúa gạo trên địa bàn tỉnh chủ động đăng ký kế hoạch tham gia chi tiết thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa, thường xuyên phối hợp Sở NN&PTNT rà soát và thực hiện các nội dung trong biên bản ghi nhớ giữa DN và địa phương; tích cực cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, tham gia liên kết SXKD, vận động, hỗ trợ thành viên tổ chức liên kết với HTX, THT để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp.

NGÔ CHUẨN