Trách nhiệm xã hội của người làm báo

21/06/2019 - 07:09

 - Nghề báo không chỉ đơn giản là “quan sát, nghe ngóng, ghi chép và phản ánh thông tin” mà còn là sự dấn thân vào các vấn đề của xã hội. Đó là trách nhiệm với nghề, với đời, với cộng đồng… nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

Vượt qua áp lực

Có thể nói, các giai đoạn của lịch sử báo chí được đánh dấu bằng áp lực cạnh tranh về thời gian. Nếu như báo in cạnh tranh theo tuần, theo ngày thì báo nói, báo hình cạnh tranh theo khung giờ phát sóng. Khi báo điện tử ra đời, thông tin cạnh tranh bằng phút; còn khi mạng xã hội (MXH) bùng nổ, phải đo thông tin bằng giây. “Phải nói rằng, chọn nghề báo là sống chung với áp lực, đặc biệt là áp lực về thời gian. Báo chí phải gắn liền với sự kiện trong dòng chảy thời sự nên nhà báo phải cho ra đời sản phẩm báo chí sớm nhất, mang tính cạnh tranh nhất. Khi MXH xuất hiện, buộc nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin, tự trang bị kiến thức và công nghệ mới để song hành cùng MXH và vượt lên MXH bằng những bài báo sâu sắc, đa chiều, khách quan và có sức thuyết phục cao” - nhà báo Thanh Tùng (công tác tại Văn phòng đại diện ĐBSCL của Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam - VOV) chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Tùng cho rằng, không vì áp lực “chạy đua” với MXH mà cho ra đời những tác phẩm báo chí vội vàng, cẩu thả, đưa thông tin thiếu khách quan, thiếu kiểm chứng dẫn đến sai sự thật. “Muốn làm rõ bản chất sự thật, phụ thuộc rất lớn vào cái “tâm và tầm” của người làm báo. Nhà báo phải có đạo đức, không ngừng học hỏi để trang bị cho mình vốn sống, có phông kiến thức, có trình độ chuyên môn để nhìn nhận, phân tích và thẩm định vấn đề, không để MXH “dắt mũi” mình” - anh Tùng phân tích.

Đồng ý với quan điểm này, nhà báo Thanh Vân (Báo Người Lao Động) cho rằng, mặc dù chịu áp lực thông tin nhưng nhà báo cũng cần phải bình tĩnh trong xử lý vấn đề. “Theo quy định của tòa soạn, nếu có thông tin “nóng” trên địa bàn phụ trách mà mình đưa trễ hơn 30 phút so các báo khác sẽ bị xử phạt trừ điểm thi đua. Thông tin càng được bạn đọc quan tâm thì bị trừ điểm càng nhiều. Tuy nhiên, không vì áp lực này mà thấy báo khác đưa mình phải đưa liền mà cần kiểm chứng lại” - anh Vân chia sẻ.

Lấy dẫn chứng về vụ “thầy giáo đánh học sinh vẹo cột sống” ở Phú Tân, nhà báo Thanh Vân phân tích: “Khi thấy thông tin trên MXH và một số báo đăng tải, tòa soạn yêu cầu phải làm nhanh. Tuy nhiên, bản thân tôi thấy thông tin này thiếu khoa học ở chỗ, nếu học sinh bị đánh vẹo cột sống thì phải bị liệt, không thể đi lại bình thường. Tôi đã đề nghị người phụ trách không đăng liền mà cho thời gian để xác minh thông tin đầy đủ, khách quan từ nhiều phía (gia đình, thầy giáo, nhà trường, học sinh…). Nhờ vậy đã làm rõ thông tin không có chuyện thầy giáo đánh học sinh vẹo cột sống”. Anh Vân cho rằng, dù việc dùng thước đánh học sinh là sai quy định nhưng cũng cho thấy, thầy giáo có trách nhiệm với nghề. “Nếu ùn ùn đưa thông tin chưa kiểm chứng về chuyện “thầy giáo đánh học sinh vẹo cột sống”, có thể vì áp lực mà thầy giáo ấy bị mất việc. Những giáo viên khác vì giữ an toàn cho mình mà bỏ mặc học sinh, chỉ lên lớp hết giờ rồi về thì giáo dục sẽ đi về đâu?” - anh Vân đặt câu hỏi.

Đồng cảm cùng xã hội

Đứng trước những vấn đề bức xúc, bất công trong xã hội, nhà báo không chỉ giữ vai trò “người quan sát”, mà còn coi đó là trách nhiệm của mình, phải dấn thân theo đuổi sự kiện, đấu tranh đến cùng vì lẽ công bằng. Điển hình như vụ trạm thu phí BOT T2 “cố tình đặt sai vị trí” thời gian vừa qua. Cùng với phản ứng của các lái xe, chủ phương tiện, tiếng nói của Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang, các cơ quan chức năng thì việc báo chí đưa thông tin liên tục, xoáy sâu vào sự bất hợp lý của trạm thu phí BOT T2 đóng vai trò rất quan trọng, góp phần buộc trạm thu phí này phải xả cửa từ chiều 25-5-2019 đến nay.

Đấu tranh đến cùng khi gặp các vấn đề bất công của xã hội nhưng khi gặp những hoàn cảnh cần giúp đỡ, nhà báo cũng là sợi dây kết nối những tấm lòng, mang yêu thương, chia sẻ đến những người yếu thế. “Nói thiệt, nếu không có Báo An Giang kết nối, vận động Câu lạc bộ Thứ Bảy (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) và một số nhà hảo tâm hỗ trợ đóng viện phí, tôi không biết tìm đâu ra số tiền 57 triệu đồng để trả cho Bệnh viện Tim mạch An Giang” - chị Trương Thị Thanh Việt (ấp An Bình, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) bộc bạch. Không chỉ người phụ nữ có chồng mất sớm, một mình bán vé số nuôi con ăn học này được giúp đỡ, mà đã có nhiều bệnh nhân được Báo An Giang vận động, hỗ trợ đóng khoản tiền còn thiếu cho cas phẫu thuật tim, giúp họ yên tâm xuất viện, bắt đầu cuộc sống mới.

Nhà báo Thanh Vân cho biết, bản thân anh cũng thường xuyên kết nối những tấm lòng để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. “Dịp 20-11-2018, tôi đến dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ở Trường THCS Trần Quang Khải (xã An Nông, Tịnh Biên). Thấy ngôi trường nằm giữa đồng trống, thường xuyên bị mưa dột ướt các phòng học, tôi đã vận động các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn An Giang được 55 triệu đồng, giúp trường làm mái che, tráng nền, làm chỗ sinh hoạt cho học sinh. Vào đầu năm học, tôi vận động được 40 chiếc xe đạp (1 triệu đồng/chiếc) tặng cho học sinh nghèo ở Tịnh Biên, Thoại Sơn. Đến Tết Trung thu thì vận động quà, bánh cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm của người làm báo” - anh Vân nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN