Trải nghiệm trận chiến dưới lòng đất

02/05/2018 - 08:48

 - Một trong những điểm thu hút khách du lịch vào dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua là địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Bởi ở đó, mọi người không chỉ được chiêm ngưỡng “kỳ quan” đánh giặc có 1 không 2, với hệ thống đường hầm chằng chịt như mạng nhện mà còn được sống lại những giờ phút lịch sử với bao trải nghiệm thú vị về những trận chiến dưới lòng đất của quân và dân Củ Chi.

Nghe nhiều về địa đạo Củ Chi, về những trận đánh du kích len lỏi dưới lòng đất của đội quân Củ Chi ngày ấy nhưng đến tận đầu tháng 4 vừa qua, tôi mới có những trải nghiệm rõ nét nhất về căn cứ cách mạng xưa (nay đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt). Khi đặt chân đến đây, thật khó diễn tả hết tâm trạng vừa bồi hồi, vừa xúc động, tự hào. Trong màu áo lính năm xưa, người hướng dẫn viên vừa đi vừa kể lại những chiến tích đã đi vào lịch sử. Giữa khu rừng yên ắng, thi thoảng có tiếng chim hót, chúng tôi nghe thấy tiếng loạt xoạt của bước chân mình mỗi khi đạp phải lá rừng. Trên cao, ánh nắng chiếu xuyên qua từng tán cây xanh lấp lánh. Đi giữa khung cảnh yên bình ấy, tôi và những người trong đoàn cứ hỏi nhau, quân và dân nơi đây đã sống như thế nào trong suốt những năm tháng “mưa bom, lửa đạn”.

Xem phim tài liệu để hiểu thêm về địa đạo Củ Chi

Trước khi được “mục sở thị” các hầm, ụ chiến đấu đã đi vào lịch sử, chúng tôi được xem phim tài liệu, nói về thời kỳ gian khổ nhưng hết sức kiên cường, quả cảm của quân và dân Củ Chi. Trong gian phòng không quá rộng được đào kỹ lưỡng dưới lòng đất là nơi dùng để chiếu phim tài lệu cho khách tham quan. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi hệ thống hầm hố chằng chịt như mạng nhện ở địa đạo Củ Chi là 1 “kỳ quan”. Địa đạo có khoảng 250km đường hầm, gồm nhiều công trình như: ụ, ổ chiến đấu, chiến hào, hầm ăn, ngủ, hội họp, quân y, kho cất lương thực... Dưới ánh sáng hạn chế được thắp lên bằng vài ba chiếc đèn dầu loe loét, đoàn chúng tôi ngồi xem những thước phim tư liệu khoảng 20 phút. Tuy không nhiều nhưng đủ để mọi người hiểu thêm ngày tháng sống, chiến đấu, làm việc của quân và dân nơi được mệnh danh là vùng “đất thép”.

Theo chân người dẫn đường, những hầm bom, ổ chiến đấu dần hiện ra trước mắt chúng tôi dẫu đã phục dựng nhưng vẫn giữ được nét thô sơ vốn có. “Đây là ổ chiến đấu đầu tiên chúng ta tham quan, sâu 3m, dài 30m, ai không đi nổi sẽ có lối thoát hiểm ở giữa đường đi. Chú ý, những ai có tiền sử bệnh tim mạch, hen suyễn không nên đi đường hầm vì dưới đó ẩm thấp, tối và rất ít không khí, dễ xảy ra sự cố” - giọng người hướng dẫn viên từ tốn. Trong hầm tối, tia sáng ít ỏi của ngọn đèn là phương tiện duy nhất dẫn đường bước chân chúng tôi. Người đi trước phải bước thật nhanh chân và không được dừng lại vì bất kỳ lý do gì vì đường dưới địa đạo chỉ vừa đủ cho 1 người đi, không quay đầu hay chen chân được. Điều đặc biệt là, người đi phải luôn khom lưng mới có thể vượt địa đạo được. Đi độ nửa đường, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi và kinh ngạc thốt lên: “Sao người lính ngày xưa có thể sống sót và đánh giặc trong địa đạo chật hẹp như thế này. Thật phi thường”. Một số người trong chúng tôi chịu không nổi sự ngột ngạt và nóng bức đã trèo lên mặt đất qua lối thoát hiểm cách đó 15m.

Tham quan, trải nghiệm địa đạo Củ Chi

Chấm dứt đường hầm, những bước chân đầu tiên trên mặt đất làm ai nấy đều vui mừng. Trong hơi thở hì hục, giọt mồ hôi lã chã rơi, tôi cảm nhận được sự thấm mệt hiện rõ qua từng khuôn mặt. Để mọi người nghỉ ngơi khoảng 5 phút, người hướng dẫn đưa đoàn đến ụ chiến đấu kế tiếp rồi nói: “Địa đạo này có độ sâu 6m, dài 70m và sẽ có lối thoát cho ai không đi nổi ở giữa chặng đường. Ai không mệt, có thể trải nghiệm tiếp địa đạo này”. Dứt lời, nhiều người vừa thở hổn hển sau chuyến vượt địa đạo, vừa nhanh chân chạy xuống địa đạo mới. Dẫu còn mệt nhưng chúng tôi vẫn muốn đi tiếp để được trải nghiệm nỗi cực khổ và ngoan cường của người lính du kích năm xưa. Tất nhiên, ở đường hầm này, chúng tôi phải đi khom lưng hơn nữa, nhiều đoạn phải ngồi mà đi, đôi chân có lúc co cứng lại tưởng chừng như không thể bước tiếp. Nhìn thấy ánh sáng dẫn lên mặt đất, ai cũng bảo nhau đến nơi rồi! Lúc này, những chiếc áo đã gần như ướt sũng vì mồ hôi nhưng ai cũng thấy vui và xứng đáng vì đã có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.

Người hướng dẫn đến giờ này mới tiết lộ với chúng tôi rằng, không ít khách tham quan trải nghiệm xuống địa đạo đã phải ngất xỉu, nhờ đến sự trợ giúp. Thế mới thấy, để sống sót thời chiến đã không dễ, việc giành lấy độc lập tự do là một kỳ tích được viết bằng máu và sự sống của bao lớp cha anh. Trước khi ra khỏi khu rừng, đoàn chúng tôi được tiếp món ăn dân dã nhưng rất thơm ngon là khoai mì hấp chín chấm muối mè. Cảm nhận vị ngọt của khoai mì, vị mằn mặn của muối chấm, chúng tôi nghĩ về tiếng đạn bom mấy mươi năm về trước mà cúi đầu cảm phục tinh thần và nghị lực thép của những con người “thép”! “Có đích thân đi và trải nghiệm địa đạo, tôi mới hiểu hết sự vất vả, cực khổ, thiếu thốn trong chiến tranh và sức mạnh đoàn kết dân tộc là thế nào. Còn gì vui bằng khi được đến đây vào những ngày tháng 4 lịch sử để được ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Với tôi, đây là chuyến đi ý nghĩa và rất có ích cho thế hệ trẻ!” - anh Nguyễn Quốc Hưng (đoàn viên Sở Tư pháp) chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN