Trận chiến này quá cam go, nhiều nữ điều dưỡng ngất xỉu vì kiệt sức,… nhưng hãy tin vào chúng tôi!

08/08/2020 - 14:24

Hãy tin tưởng vào chúng tôi, nhưng cũng hãy hỗ trợ chúng tôi từ chính mỗi hành động hàng ngày của bạn. Trách nhiệm với sức khỏe của mình và cộng đồng là cách tuyệt vời nhất thể hiện lòng yêu nước vào lúc này. Tất cả rồi sẽ qua đi. Không muốn dùng từ 'chiến thắng' nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua với tổn thất tối thiểu nhất.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang cùng nhiều "cánh quân" tinh nhuệ đến chi viện cho miền Trung.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang cùng nhiều "cánh quân" tinh nhuệ đến chi viện cho Quảng Nam, Đà Nẵng để tăng cường hỗ trợ địa phương phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trên Báo Sức khỏe và Đời sống, ông đã có bài viết chia sẻ về những "góc khuất" của các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch, đồng thời mong muốn mỗi người dân vững tâm, đặt niềm tin vào các y bác sĩ và hỗ trợ các chiến sĩ áo trắng bằng chính mỗi hành động hàng ngày. Bởi “trách nhiệm với sức khỏe của mình và cộng đồng là cách tuyệt vời nhất thể hiện lòng yêu nước vào lúc này”.

Cả hệ thống y tế được nâng lên mức báo động đỏ

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: “9 giờ sáng 3/8, tôi nhận điện thoại của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ Huế. Không một giây chần chừ, tôi gật đầu tắp lự.

Khi nghe tin dịch bệnh bùng phát với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nhiều so với hồi mùa xuân, tôi và các đồng nghiệp đã siết chặt lại hàng ngũ, tự nhủ với nhau bằng mọi cách không để con virus "quái quỷ" này xâm nhập vào bệnh viện, đặc biệt là ở khu bệnh nhân nặng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Đợt dịch lần đầu, chúng ta đã thành công. Ngoài chiến thuật và chiến lược đúng đắn còn có yếu tố may mắn khi các khoa Hồi sức cấp cứu; Hậu phẫu hay Thận nhân tạo chu kỳ không bị nhiễm bệnh. Các nước châu Âu, Mỹ có tỷ lệ tử vong cao tập trung chủ yếu ở nhóm bệnh nhân này. Nói một cách dễ hiểu, đó là "giọt nước làm tràn ly".

Một bệnh lý nền nặng, bản thân diễn biến tự nhiên có thể xấu đi bất cứ lúc nào, nên một rối loạn về hô hấp hay đông máu rất đơn giản có thể gây tử vong trong giây phút. Chính vì vậy, khi đợt dịch COVID-19 lần hai bùng phát trong bệnh viện Đà Nẵng lại không may rơi vào rất nhiều bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ đã gây lo lắng cho các nhà chuyên môn cũng như toàn xã hội.

Những ca tử vong đầu tiên khiến Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mất ăn mất ngủ, cả hệ thống y tế được nâng lên mức báo động đỏ. Chúng ta có nhiệm vụ không để "tuột khỏi tay" bất cứ bệnh nhân nào nếu còn cơ hội sống sót.

Số lượng xung phong vào tâm dịch vượt yêu cầu

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Ngay sau lời đề nghị hỗ trợ, một thông báo kêu gọi tinh thần tình nguyện được đưa ra. Và không ngoài dự kiến, số người xung phong vào tâm dịch vượt số lượng bệnh viện yêu cầu.

Đặt vé máy bay từ Hà Nội đi Huế chuyến 11 giờ sáng thứ ba, tôi yên tâm dặn dò anh em nghỉ sớm lấy sức lên đường và chính bản thân mình cũng có thêm một đêm nữa ở với mẹ đang nhập viện chữa bệnh. Vậy nhưng đến 4 giờ chiều thứ hai, VietJet thông báo hủy chuyến bay duy nhất trong ngày. Điện thoại cho cậu bạn bên Vietnam Airlines, nhận được dòng tin nhắn "anh nhắn cho em tên tuổi của cả đoàn", tôi đã mừng thầm trong bụng, nhưng chỉ ít phút sau lại nhận được cái lắc đầu.

16 giờ 30 phút, tôi quyết định họp đoàn. Vừa trình bày khó khăn, tôi đã được sự đồng thuận nhanh chóng. Hai lãnh đạo Khoa hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và ba bác sĩ, hai điều dưỡng trẻ đã sẵn sàng lên đường bằng ô tô ngay trong đêm.

Với tốc độ của xe cứu thương, sau 8 giờ di chuyển, chúng tôi đã ăn được tô bún bò ngay trước cửa Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để chuẩn bị vào cuộc”.

Trận chiến này thực quá cam go

“Cho dù đã chuẩn bị tinh thần sẽ muôn vàn khó khăn, nhưng sau khi thay bộ quần áo phòng hộ, chúng tôi mới nhận thấy trận chiến này thực quá cam go” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ và cho biết: Có tới 6/23 bệnh nhân thận nhân tạo đang cận kề cái chết, diễn biến thay đổi từng phút. Anh em đồng nghiệp đã chiến đấu không nghỉ suốt mấy ngày qua nhưng các diễn tiến tiếp theo thật sự bất thường, ngoài dự đoán.

Lao vào việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp đợi từng xét nghiệm, phim chụp X-quang, tim phổi... Đội ngũ được củng cố, chiến lược được thống nhất, tinh thần được nâng lên và những kết quả ban đầu đã thay đổi. Nụ cười đã nở trên môi các nhân viên y tế chúng tôi”.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cảm nhận đặc biệt nhất với ông là về các bạn trẻ, với tương lai rất dài, vậy nhưng họ không hề lo lắng bị nhiễm bệnh. Họ chỉ lo "chẳng may dương tính" lại bị loại khỏi cuộc chiến hai tuần. Họ vẫn pha trò những lúc được cởi bộ đồ phòng hộ, vẫn đòi "hết dịch thầy phải dẫn con đi ăn chè hẻm, thuyền sông Hương"...

Nhiều quyết định chuyên môn có một không hai đã được đưa ra và sẽ chẳng bao giờ lặp lại trong lịch sử.

Những quyết định chuyên môn có một không hai, sẽ chẳng bao giờ lặp lại trong lịch sử

Ông cho biết, có những quyết định chuyên môn có một không hai vì bệnh dịch này đã đưa ra. “Tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ lặp lại trong lịch sử”. Ví như một bệnh nhân thoát ECMO nhưng di chứng để lại là huyết khối toàn bộ tĩnh mạch chân sắp lan lên bụng. Không thể di chuyển người này lên phòng mổ vì khoảng cách và cả vì quy trình khử khuẩn hết sức phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của cả viện, nhưng nếu không làm gì nguy cơ tắc mạch phổi gây đột tử là rất cao.

“Cuối cùng, tôi quyết định đặt lưới lọc ngay tại giường bệnh dưới hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật diễn ra chưa đầy 30 phút với kết quả hoàn toàn ưng ý. Đấy là những điều thuận lợi, còn cái khó nhất khi đại dịch ập xuống, đó chính là sự hợp tác giữa nhiều bộ phận khác nhau có khi còn chưa gặp nhau bao giờ” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Kiến thức khác nhau, trường phái khác nhau, thậm chí giọng nói còn khác nhau, vậy làm sao để hòa hợp đưa ra kết quả cuối cùng là hiệu quả chữa bệnh cao nhất cho người bệnh? Một đơn vị vừa thành lập mà chịu áp lực nhận hơn 20 bệnh nhân rất nặng, dưới sự theo dõi của hàng triệu cặp mắt, trái tim từng ngày, giờ, mấy ai có thể "bình tĩnh tự tin, không cay cú".

"Vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng lúc này. Những người đứng đầu điều phối cả công việc chuyên môn lẫn hành chính, hậu cần trong áp lực bủa vây muôn phía: Từ lãnh đạo bệnh viện, tổ chuyên môn, Tiểu ban Điều trị quốc gia phòng chống COVID-19... rồi từ chính các nhân viên của mình. Chẳng may sơ sểnh là ân hận suốt đời.

Chính vì vậy, ngay buổi gặp mặt đầu tiên với Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, tôi chỉ xin một việc là bổ nhiệm ngay lãnh đạo đơn vị phòng chống dịch. Vị tướng cầm quân quyết định một nửa của chiến thắng. Cuộc chiến nào cũng vẫn vậy" - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến này với tổn thất tối thiểu nhất.

Nhiều nữ điều dưỡng ngất xỉu khi vừa bỏ khẩu trang

Cuối cùng, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Một khó chịu mà ông không thể không nói ra. Đó là cái sự nóng khi mặc bộ "phi hành gia".

“Phát minh của chống dịch SARS từ cách đây gần 20 năm được áp dụng đến giờ rất hiệu quả, đó là không sử dụng điều hòa trong ICU, tuy nhiên lại là cực hình dưới cái nắng cuối hè của Huế.

Với ca trực 8 tiếng trong bộ đồ phòng hộ, nhiều nữ điều dưỡng của tôi đã ngất xỉu khi vừa bỏ khẩu trang. Mồ hôi như tắm tủa ra khắp người, mất nước điện giải vì có chỗ nào để đưa nước vào người được đâu.

Giao ban sáng hôm nay, tôi cũng chính thức đề nghị giảm "tua" xuống 6 tiếng và lý tưởng là 4 tiếng cho mỗi điều dưỡng viên, nhưng như vậy lực lượng dự bị còn mỏng quá. "Chiến trận" leo thang, lấy ai mà kháng địch?”

Hãy tin tưởng vào chúng tôi!

Chia sẻ những vất vả của các thầy thuốc trong cuộc chiến chống đại dịch, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng nhắn nhủ với hậu phương: “Đọc đến đây chắc bạn sẽ lo lắng cho đất nước yêu thương của chúng ta, nhưng xin hãy vững tâm các bạn ạ!

Con người Việt Nam can trường, thông minh và thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Người này mệt lui lại phía sau sẽ có người khác tiến lên thay vị trí.

Sáng nay, hai chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã vào tiếp sức cho chúng tôi, rồi hàng chục bác sĩ ở các tỉnh, thành đã xuất quân tiến về miền trung thân thương với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Hãy tin tưởng vào chúng tôi, nhưng cũng hãy hỗ trợ chúng tôi từ chính mỗi hành động hàng ngày của bạn. Trách nhiệm với sức khỏe của mình và cộng đồng là cách tuyệt vời nhất thể hiện lòng yêu nước vào lúc này. Tất cả rồi sẽ qua đi. Không muốn dùng từ "chiến thắng" nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua với tổn thất tối thiểu nhất. Lúc ấy, tôi xin hứa với đại gia đình của mình, chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ thật dài cùng nhau”./.

Thủ tướng động viên các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch

Ngày 4-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư khen các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Thư viết: “Các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế yêu quý!

Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đã có một số nhân viên y tế bị mắc bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng chống lại dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, sử dụng biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ Y tế và lực lượng quân y đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương, lòng quả cảm, sự cống hiến, nghĩa cử cao đẹp ở mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, mọi ngành nghề và thành phần kinh tế, mà tiêu biểu là đông đảo đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa - những người chiến sĩ áo trắng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và nhiều bệnh viện, các viện nghiên cứu, trường đại học của ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh.

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến cao cả, tận tâm hết mình của những thầy thuốc yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Tôi cũng cảm ơn người nhà, gia đình của những thầy thuốc và cán bộ ngành y tế đã thông cảm, đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức này, luôn là hậu phương vững chắc để các chiến sĩ áo trắng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, ngành y tế cần dồn toàn lực lượng để khống chế dịch bệnh lây lan, trước hết phải trang bị đầy đủ, kịp thời để bảo vệ ở mức cao nhất sự an toàn của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của chúng ta.

Tôi kêu gọi ngành y tế, các y bác sĩ, nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc tiếp tục phát huy các phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc luôn sẵn sàng, quyết tâm, trách nhiệm và dồn hết tâm sức, tri thức và kinh nghiệm để cùng với toàn Đảng, toàn dân chiến thắng đại dịch.

Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp hãy tiếp tục đoàn kết, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân cũng là một chiến sĩ phòng, chống dịch, cùng ủng hộ, động viên, chia sẻ và bảo vệ những người chiến sĩ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến đầy cam go và hiểm nguy với COVID-19.

Chúc các thầy thuốc, các cán bộ ngành y tế - những người anh hùng của nhân dân luôn mạnh khỏe, sớm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang, giành chiến thắng trước dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho toàn thể nhân dân”.

Theo Báo Chính Phủ