Mục tiêu phát triển được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân, gồm: dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030; dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021-2025; dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Thời gian công bố từ ngày 20-10 đến 10-11-2020. Việc công bố, thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo các văn kiện nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tập hợp được trí tuệ; những ý kiến xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân; tạo sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc lấy ý kiến thể hiện sự trân trọng nhân dân. Trước khi đưa ra xin ý kiến nhân dân, các tiểu ban và Trung ương phải tiếp thu tối đa các ý kiến tại Đại hội Đảng các cấp để hoàn thiện.
Quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội XIII, các văn kiện đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực.
Một số điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Xuyên suốt các kỳ đại hội trước đây, các dự thảo văn kiện luôn được kế thừa, bổ sung phát triển đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng ta trong 35 năm qua với nhiều điểm nhấn quan trọng. Điểm nhấn của Đại hội VI là đổi mới; Đại hội VII đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; Đại hội VIII đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đại hội IX xác định mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Đại hội X tổng kết 20 năm đổi mới; Đại hội XI ban hành Cương lĩnh bổ sung, phát triển và quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; Đại hội XII đề ra chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới. Theo đó, xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng, như: đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chủ đề của đại hội là kết hợp của 5 thành tố: về Đảng, dân tộc, công cuộc đổi mới, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu phấn đấu. Kế thừa những chủ đề của các đại hội lần trước, thành tố về Đảng đề cập trong dự thảo lần này có bổ sung thêm “hệ thống chính trị”, bao gồm: Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về yếu tố dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, bổ sung thêm yếu tố dân chủ, xây dựng XHCN có bổ sung thêm những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có ý chí vươn lên; gắn vận mệnh dân tộc, đất nước mình vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Trong bối cảnh mới, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là yếu tố cần, nhưng phải thêm yếu tố sáng tạo. Đó là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Phương châm của đại hội lần này là “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” để phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển theo chuẩn mực chung của thế giới.
M.A