Hình ảnh Buck Moon chụp tại Hy Lạp. (Nguồn: Getty Images)
Vì sao trăng tháng 7 năm nay đặc biệt?
Theo trang chuyên về thiên văn học Space.com, trăng tròn tháng 7 năm nay sẽ đạt cực đại vào lúc 4h36 chiều theo giờ miền Đông nước Mỹ (tức 3h36 sáng 11/7 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng để quan sát là ngay sau khi trăng mọc, khi nó vừa nhô lên khỏi đường chân trời lúc hoàng hôn.
Điểm đặc biệt của Trăng Hươu Đực năm nay là nó xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Trái đất đạt điểm viễn nhật – vị trí xa nhất với mặt trời trong quỹ đạo. Điều này khiến đây trở thành trăng tròn xa mặt trời nhất trong năm 2025. Bên cạnh đó, hiện tượng “Major Lunar Standstill” – xảy ra mỗi 18,6 năm – khiến quỹ đạo mặt trăng nghiêng cực đại so với xích đạo trời, làm cho trăng tròn tháng 7 nằm rất thấp trên bầu trời sau khi mọc.
Trăng tròn mọc phía sau Đền Poseidon - Hy Lạp. (Nguồn: Getty Images)
Gợi ý chụp ảnh trăng bằng điện thoại
Để ghi lại khoảnh khắc trăng tròn ấn tượng này bằng điện thoại, người dùng có thể áp dụng một số mẹo đơn giản. Trước hết, nên chọn vị trí quan sát thoáng đãng, ít ánh đèn và có thể kết hợp với cảnh vật như cây, nhà hoặc núi để tạo chiều sâu cho bức ảnh.
Khi chụp, cần tắt đèn flash và sử dụng chế độ “Pro” hoặc “Manual” nếu điện thoại hỗ trợ. Các thông số gợi ý gồm ISO từ 100–200, tốc độ màn trập 1/250 giây hoặc nhanh hơn và lấy nét chỉnh tay đến vô cực. Nếu không có chế độ chuyên nghiệp, người dùng có thể chạm vào mặt trăng để lấy nét và giảm độ sáng bằng cách vuốt xuống trên màn hình.
Để tránh rung khi chụp, nên sử dụng tripod hoặc kê điện thoại cố định, đồng thời bật hẹn giờ 3 giây. Sau khi chụp, có thể chỉnh sửa ảnh bằng các ứng dụng như Snapseed hoặc Lightroom Mobile để tăng độ nét và điều chỉnh màu sắc nhẹ nhàng.