Tránh những cơn đau cơ - xương - khớp khi thời tiết lạnh

22/01/2019 - 14:59

Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, những người mắc các bệnh liên quan đến xương khớp sẽ gặp tình trạng đau nhức, tê buốt, đau dai dẳng ám ảnh, khó chịu ở các khớp xương, nhiều người phải nhập viện điều trị nội trú.

Bác sĩ Phạm Chí Lăng, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện Quốc tế City cho biết, hiện nay bệnh cơ xương khớp không chỉ có ở người lớn tuổi, mà bệnh lý này xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi và ngày càng gia tăng. Đặc biệt, khi khí hậu se lạnh sẽ dẫn đến các thay đổi nội mô làm cho các cơn đau nhức ở cơ xương khớp xảy ra. Để bảo vệ cơ xương khớp trong mùa lạnh được hiệu quả nhất người dân cần thực hiện những biện pháp sau:

Tăng cường vận động hợp lí

Khi thời tiết lạnh, các mạch máu ngoại vi sẽ co lại, dẫn đến tình trạng giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên, trong đó có cơ và khớp. Đó cũng là lí do vì sao các triệu chứng đau mỏi cơ xương khớp thường xảy ra. Chính vì thế, chủ động luyện tập phù hợp cùng các bộ môn thể dục – thể thao, cũng như thường xuyên hoạt động chân tay là điều cần thiết.

Những hoạt động này sẽ hỗ trợ giúp máu huyết lưu thông, góp phần tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp của chúng ta. Việc tăng cường vận động phù hợp còn hạn chế tình trạng khớp bị ì, cũng như giải quyết năng lượng dư thừa, giúp săn chắc thêm cơ bắp để giảm tải và nâng đỡ cho xương khớp.

Không chỉ là bài tập hiệu quả để bảo vệ cơ xương khớp - việc vận động phù hợp trong thời tiết lạnh còn giúp cho chúng ta giữ ấm cơ thể, tăng cường hiệu quả tập luyện, hấp thụ nhiều vitamin D. Đi bộ, dưỡng sinh, yoga, bơi và đạp xe đạp là những bộ môn được khuyến cáo cần nên tham gia luyện tập.

Lợi ích từ việc xoa bóp


Xoa bóp cũng là biện pháp giam đau nhức khớp

Buổi sáng những ngày lạnh là thời điểm các khớp nhỏ như ở bàn tay, bàn chân sẽ thường có triệu chứng đau nhức. Khi có dấu hiệu tê, mỏi hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách xoa bóp để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, giảm đau nhức khớp. Đặc biệt, sau khi tỉnh giấc hãy co duỗi các ngón tay – chân, cùng cách khớp lớn sẽ giảm thiếu cảm giác tê cứng. Lưu ý, không được xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau…).

Hạn chế việc giữ yên một trạng thái quá lâu như ngồi – nằm – đứng. Đối với nhân viên văn phòng, hãy nhớ ngồi giữ thẳng lưng, không được ngồi xổm. Nếu không - tình trạng gây ứ trệ tuần hoàn máu và gây cứng khớp sẽ xảy ra.

Bổ sung dưỡng chất và dinh dưỡng


Không tự ý uống thuốc giảm đau, nên đến bệnh viện khám và điều trị. 

Việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lí là một trong những lưu ý quan trọng. Hãy cân bằng dinh dưỡng với 4 nhóm chất gồm: đạm, béo, đường và vitamin. Bổ sung canxi với 2-3 ly sữa/ngày hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai.

Thường xuyên tiếp nạp thực phẩm giàu Omega 3 như: cá thu, cá hồi, cá ngừ, các loại hạt có dầu – hạt điều, hạt dẻ, hạnh nhân. Đây là những loại thực phẩm giúp giảm các phản ứng viêm trong cơ thể. Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, đồ ăn quá chua, quá mặn, tránh ăn nhiều mỡ động vật…

Nhớ luôn giữ ấm cơ thể

Mặc nhiều áo mỏng để tạo lớp dày là một cách hay để giữ nhiệt cho cơ thể. Và cũng đừng quên sử dụng các phụ kiện liên quan như khăn choàng cổ, găng tay và tất. Sau khi đi mưa hoặc tắm xong, hãy nhanh chóng lau khô và sưởi ấm cơ thể.

Tắm với nước nóng (từ 30 – 40 độ C) hoặc ngâm vùng khớp bị đau trong nước ấm để giúp trao đổi nhiệt tại chỗ ở ngoài da giúp tăng cường tuần hoàn máu, tạo thư giãn cơ. Chườm nóng cũng là một biện pháp tốt giúp giảm tải các cơn đau khớp cấp.

Kiểm tra tình trạng cơ – xương – khớp

Khi khớp bị đau nhức, không nên tự ý mua thuốc giảm đau về dùng. Tránh áp dụng các phương cách điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu khoa học rõ ràng. Nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp.

Việc thăm khám bác sĩ để kiểm tra và đánh giá trình trạng cơ xương khớp ở bản thân là điều quan trọng. Bởi khi xuất hiện những cơn đau do cơ xương khớp, tức các bộ phận ấy đang có vấn đề và cần được điều trị.

Đừng để các tổn thương do cơ xương khớp để lại các di chứng, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cũng như là các sinh hoạt bình thường hàng ngày. Đặc biệt, các bệnh lý do cơ xương khớp đang ngày càng có chiều hướng xuất hiện rộng rãi hơn, ở nhiều lứa tuổi hơn.

Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin tức)