Đang làm bếp, chị Hải (mẹ bé Hoa) nghe thấy cô con gái lên 4 tuổi nói thế, chị không khỏi “sôi máu”.
Buông tay, chị Hải chạy ra quát con “tại sao con lại nói thế?". Ngay lập tức cô bé chửi luôn mẹ. Ba máu sáu cơn, chị Hải tát con liên tiếp vào mồm, vừa đánh chị vừa quát “nói bao lần rồi mà tại sao vẫn chứng nào tật ấy. Mày học ở đâu cái thói chợ búa thế hả? Lần sau, mày nói câu ấy lần nữa tao cắt lưỡi”.
Trẻ học từ chính bố mẹ, người thân
Tình cảnh của chị Hải không phải cá biệt, bởi theo các chuyên gia ngôn ngữ ở tuổi tập nói hay hoàn thiện ngôn ngữ, trẻ rất hay bắt chước, nhặt nhạnh từ vựng mọi lúc, mọi nơi như từ gia đình, trường học và cả những người mà trẻ gặp bên ngoài. Do đó, việc nói tục, chửi bậy đơn giản là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ. Trẻ dùng những từ này khi đang tức giận, khi nghe thấy người khác nói trong hoàn cảnh tương tự. Thậm chí có đôi lúc dù không bực bội trẻ cũng văng tục… bởi trẻ nghĩ rằng những từ đó khá thú vị và muốn thu hút sự chú ý hay đôi khi trẻ thấy tò mò về từ đó.
Người lớn nói bậy sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ nhỏ
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tức giận và xấu hổ khi thấy con họ chửi thề trước mặt người khác. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng bố mẹ cần bình tĩnh xem xét căn nguyên của vấn đề.
Vị chuyên gia này cũng phân tích, trong số ba mục tiêu giáo dục trẻ gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ hành vi thì mục tiêu giáo dục đạo đức (thái độ và hành vi) là quan trọng và khó nhất. Dạy một đứa trẻ học chữ khó một thì dạy đứa trẻ đó về thái độ, hành vi đúng đắn khó gấp trăm lần. Việc này đòi hỏi sự chung tay cố gắng của cả cha mẹ, thầy cô giáo, những thành viên khác trong gia đình và nhà trường.
“Thường trẻ không tự nghĩ ra những từ đó, nó được “thu nạp” vào trẻ từ nhà trường, từ gia đình và những người xung quanh trẻ. Trẻ em cảm nhận, quan sát và học hỏi mọi hành vi xung quanh mình. Do đó, khi con nói bậy, cha mẹ phải đặt câu hỏi: “Đứa bé này học nói bậy từ đâu?”. Nếu chúng đã nói bậy thì đến 99% là do chúng nghe cha mẹ mình nói hoặc nghe ở đâu đó”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Kiên nhẫn sửa cho trẻ
Theo TS Vũ Thu Hương, khi con bạn chửi bậy, cha mẹ cần bình tĩnh xử trí và không nên phản ứng thái quá tránh trường hợp bé hiểu lầm việc chửi bậy sẽ được bố mẹ chú ý ngay lập tức và sẽ gây tác dụng ngược lại, không tốt cho việc giáo dục trẻ. Chẳng hạn như cách dạy con của của chị Hải nêu ở trên cũng phản tác dụng. Trẻ chưa ý thức được hành vi nói tục của mình là xấu thì bố mẹ cần kiên nhẫn giải thích, chứ không phải dùng bạo lực để áp đặt lên trẻ như vậy.
Trong trường hợp này, chị Hải có thể hỏi bé “con đã học được một từ mới à. Con hiểu từ đó không?”. Sau đó, bạn hãy thảo luận với con và cho con hiểu rằng dùng kiểu từ đó không tốt, ít nhất là trong nhiều tình huống. Nếu con bạn chửi thề hay nói bậy vì bé đang giận dữ hoặc bị đau, bạn hãy giúp bé tìm từ khác để thể hiện những cảm xúc đó.
Trẻ con bắt chước rất nhanh
Trong trường hợp bạn biết được con đang chửi bậy, chửi thề để thu hút sự chú ý, bạn hãy ngăn chặn việc đó bằng cách phớt lờ, giả vờ không để ý. Tuy nhiên, TS Hương cũng lưu ý, cha mẹ cũng cần chú ý đến những ảnh hưởng từ môi trường đến con trẻ.
“Nhiều khi bố mẹ, ông bà, cứ vô tư nói bậy trước mặt con trẻ xong đến khi con bắt chước lại quát con “đ. mẹ sao mày dám nói hỗn”. Với cách dạy con như thế, tôi khẳng định chẳng bao giờ trẻ sửa được thói chửi bậy. Thay vì thế, người lớn cần phải làm gương cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ học thói chửi bậy từ những bạn hàng xóm thì chỉ cần tách con ra khỏi đối tượng xấu mà không cần nhắc nhở gì đến, con trẻ sẽ nhanh chóng quên đi những lời nói đó”, TS Hương nhấn mạnh.
Các chuyên gia ngôn ngữ cũng khẳng định, sửa tật nói bậy cho trẻ không phải chỉ một sớm, một chiều là xong, thế nên bạn cần hết sức kiên nhẫn. Nói tục, chửi bậy là một thói quen và nếu không được uốn nắn từ sớm sẽ rất khó từ bỏ. Bởi thế, ngay khi phát hiện ra con mình nhiễm thói xấu này, phụ huynh đừng lờ đi mà hãy có thái độ thật nghiêm khắc.
Theo HẢI PHONG (Nông Nghiệp Việt Nam)