Tri Tôn - 40 năm vươn mình phát triển

22/08/2019 - 05:26

 - Vượt qua những khó khăn ban đầu của một huyện miền núi, dân tộc, biên giới, Tri Tôn đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động, thu hút đầu tư mạnh mẽ, nỗ lực giảm nghèo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa… Với 2 mũi nhọn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, Tri Tôn đặt ra kỳ vọng tăng tốc nhanh trong tương lai.

Anh hùng thời chiến

Trong lịch sử chống ngoại xâm của tỉnh An Giang, vùng đất Tri Tôn - Bảy Núi luôn là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng. Trong thời kỳ chống Pháp, đây là nơi nổi tiếng với chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông (1949). Thời kỳ chống Mỹ, tinh thần quật cường ở căn cứ Ô Tà Sóc, rồi chiến thắng lịch sử ở đồi Tức Dụp không chỉ làm nức lòng quân - dân cả nước, mà còn khiến Mỹ-ngụy hốt hoảng, góp phần vào chiến thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tri Tôn khó khăn hơn các địa phương khác khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh cũ, vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới chống quân diệt chủng Polpot, giữ vững biên giới Tây Nam. Ngày 23-8-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 300-CP, chia huyện Bảy Núi thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, đổi tên thị trấn Bảy Núi thành thị trấn Tri Tôn. Lúc này, huyện Tri Tôn được tái lập với 12 xã, 1 thị trấn, phải bắt tay vào xây dựng quê hương trong điều kiện hết sức gian nan, vất vả: nhiều diện tích ruộng vườn bỏ hoang vì còn bom mìn, hàng ngàn người thiếu ăn cần phải cứu đói, dịch bệnh lan rộng, thất nghiệp tăng cao, các thế lực thù địch, phản động trong huyện và phía bên kia biên giới Campuchia ra sức chống phá...

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân làm việc với Huyện ủy Tri Tôn

Trong gian khó, toàn Đảng bộ huyện Tri Tôn càng đoàn kết, nỗ lực, tập trung phấn đấu để khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định dân sinh, giữ ổn định vùng biên giới... Về sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung đưa diện tích lúa 2 vụ từ 1.341ha lên 3.366ha. Đối với màu lương thực, nhất là khoai mì, khoai lang, cao lương cũng đã tăng dần từ 2.023ha lên 2.956ha. Từ một huyện đói ăn, Tri Tôn đã dần tự chủ lương thực và làm nghĩa vụ cho tỉnh, Trung ương.

Mạnh mẽ thời bình

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, có thể nói, Tri Tôn đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: đời sống, sinh hoạt của đại bộ phận dân cư được cải thiện; cơ sở kinh tế - hạ tầng, phúc lợi xã hội được đầu tư mở rộng; các tuyến giao thông nông thôn được sửa chữa, nâng cấp, giúp đi lại thông thoáng; hệ thống điện, nước phủ kín ở các xã vùng sâu, vùng dân tộc.

Với lợi thế đất rộng, điều kiện sản xuất thuận lợi, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo, di tích lịch sử cách mạng hào hùng, Tri Tôn xác định nông nghiệp và du lịch là 2 ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu tập trung khai thác tốt, đây sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện tăng tốc phát triển. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng chương trình hành động và triển khai quy hoạch 7 ngành hàng chính là: lúa gạo, chăn nuôi bò, heo, dược liệu, cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng, nấm ăn, nấm dược liệu, đưa ngành nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững.

Cùng với mở rộng sản xuất lúa hàng hóa với tổng diện tích gieo trồng khoảng 112.000ha/năm, Tri Tôn còn thu hút được 12 tổ giống và 10 trang trại, công ty tham gia sản xuất 3.505ha lúa giống, đáp ứng nhu cầu trong, ngoài tỉnh, kể cả nước bạn Campuchia. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên nhãn Idor, tưới phun tự động trên vườn cam… Đối với dược liệu, đến nay, diện tích trồng đạt 108ha gồm các loại rau tần dày lá, cây đinh lăng, nghệ vàng, sâm đất, thiền liền đen, đu đủ lấy mủ… Gần đây, huyện đã mời gọi thêm Công ty TNHH XNK nông sản Tuấn Vũ liên kết trồng và tiêu thụ cây nhàu với diện tích 100ha; đang triển khai thực hiện dự án đầu tư nhà máy chưng cất tinh dầu trầm hương với diện tích 2.354m2.

Tận dụng lợi thế đất rộng, Tri Tôn triển khai đầy đủ các chính sách ưu đãi, đồng thời tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Ông Cao Quang Liêm cho biết, thời gian qua, huyện đã thu hút 16 dự án, với tổng vốn 1.974 tỷ đồng. Tới đây, khi nhiều dự án lớn được triển khai với tổng vốn đầu tư mỗi dự án từ vài trăm đến đến hàng ngàn tỷ đồng, sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho Tri Tôn tăng tốc phát triển. “Đến nay, đã có 6 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới được hình thành, hoạt động đạt hiệu quả cao. Huyện đang khuyến khích nông dân liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng trang trại. Trong đó, định hướng mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất một hợp tác xã liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn chất lượng” - ông Liêm nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực du lịch, huyện đang tích cực mời gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào những dự án, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020. Trong đó trọng điểm là dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Soài So (xã Núi Tô) với tổng diện tích đất sử dụng 398.735m2, tổng mức đầu tư gần 74 tỷ đồng; dự án đầu tư “Khu vui chơi - giải trí và nghỉ dưỡng sinh thái Phụng Hoàng Sơn” tại vòng cung bao quanh vách núi phía Đông của núi Tà Pạ, một góc núi Tô và hồ Soài Chék (tổng diện tích khoảng 200ha); các hồ trên núi gắn với di tích lịch sử cách mạng...

Kinh tế phát triển, công tác giảm nghèo cũng được đẩy mạnh với tỷ lệ giảm hộ nghèo từ 3 - 4%/năm.

Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Tri Tôn cũng được xây dựng vững mạnh. Đảng bộ huyện luôn đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Mỗi năm, huyện phát triển mới khoảng 150 đảng viên. Hiện nay, toàn huyện có 3.569 đảng viên, chiếm tỷ lệ 2,64% dân số

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN