Tri Tôn làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

12/10/2023 - 06:52

 - Nhiều năm qua, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giảm thiểu các vụ tranh chấp, khiếu nại vượt cấp trong Nhân dân. Qua đó, những mâu thuẫn lớn nhỏ kịp thời được giải quyết, tình hình an ninh trật tự tại địa phương bảo đảm ổn định, giúp Nhân dân an tâm lao động, sản xuất.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, Phòng Tư pháp huyện Tri Tôn tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Với phương châm “Giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn lớn nhỏ trong cuộc sống được các tổ viên tổ hòa giải ở các ấp, khu dân cư phối hợp cán bộ tư pháp 15 xã, thị trấn phân tích, hợp lý, hợp tình, thuyết phục, vận động Nhân dân, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp.

Phòng Tư pháp huyện Tri Tôn được tặng Bằng khen của UBND tỉnh

Hơn 11 năm làm công tác hòa giải, là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Phước Thọ, xã Ô Lâm, ông Chau Nisône hòa giải thành nhiều mâu thuẫn nội bộ gia đình, vụ việc ở hàng xóm.

“Bà con trong ấp hầu hết là người Khmer. Ở trong nhà, nhiều khi vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng do không biết đâu là đúng sai rồi dẫn đến cãi vã, tranh chấp, kiện tụng nhau làm mất tình làng, nghĩa xóm. Để hóa giải những mâu thuẫn, tôi với các hòa giải viên bàn bạc, thống nhất nhau cách giải quyết nhằm tháo gỡ được nút thắt một cách thỏa đáng nhất, tránh kiện tụng lâu dài, vượt cấp. Trước hết, mọi việc làm phải tuân theo pháp luật, đảm bảo khách quan, công tâm, không đứng về phía nào. Nhờ vậy, bình quân trên 10 vụ việc/năm tổ tôi tiếp nhận, hầu hết hòa giải thành, được lãnh đạo địa phương, ngành tư pháp đánh giá cao, khen thưởng thành tích”- ông Chau Nisône chia sẻ.

Là Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải khóm 1, thị trấn Tri Tôn, ông Bùi Văn Lô có 15 năm tham gia công tác hòa giải cho biết: “Thấy khó khăn nhưng kiên trì theo dõi, chịu khó, biết nói đúng, làm đúng thì việc gỡ rối cũng không quá khó khăn”.

Ông Lô cho rằng, trước hết, người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật; đồng thời, phải nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh.

Đặc biệt, trong hòa giải, người tham gia không được nóng nảy, phải ân cần, xem xét thấu đáo, lấy cái chung làm mục tiêu giải quyết. Tỷ lệ người Khmer ở thị trấn Tri Tôn khoảng 30% nhưng để giải quyết tranh chấp các loại liên quan đến họ phải hiểu được về tập tính, làm rõ nội dung vụ việc, phải có phương pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật. Ông tham gia hòa giải khoảng 20 vụ việc/năm, nhiều năm tỷ lệ hòa giải thành đạt từ trên 91%, được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của địa phương, ngành tư pháp.

Toàn huyện Tri Tôn hiện có 77 tổ hòa giải tại 77 khóm ấp, với 577 hòa giải viên; theo luật định, bình quân mỗi tổ hòa giải từ 7 - 9 người. Để nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp kiến thức pháp luật mới, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên.

Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ hòa giải và hòa giải viên có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong 10 năm (2013 - 2023), huyện Tri Tôn tiếp nhận và đưa ra hòa giải 2.976 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 2.717 vụ, hòa giải không thành 259 vụ. Đặc biệt, 100% vụ việc nhận đơn được đưa ra hòa giải. 

Trưởng phòng Tư pháp huyện Tri Tôn Hồ Thị Kim Duyên cho biết, công tác hòa giải trên địa bàn thời gian qua chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả; các vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 90%, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Đạt được kết quả trên, nhờ có sự quan tâm của UBND huyện Tri Tôn, Sở Tư pháp về vật chất và tinh thần, đặc biệt, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Tri Tôn tiếp tục tăng cường phối hợp  UBMTTQVN huyện và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiếp cận pháp luật, góp phần giảm thiểu về tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

N.R