Tri Tôn lắng nghe ý kiến cử tri

14/08/2019 - 07:46

 - Dù phấn khởi trước tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cử tri huyện Tri Tôn cũng không khỏi lo lắng trước tình trạng xăng, dầu tăng giá, ô nhiễm môi trường, vấn nạn bạo lực học đường… Cùng với đó là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm...

HĐND huyện Tri Tôn tăng cường trách nhiệm với cử tri

Trăn trở cây lúa

Cũng như nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, vấn đề khiến nông dân Tri Tôn lo lắng nhất hiện nay là tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa. Ghi nhận vụ hè thu hiện nay, giá lúa giảm trên dưới 1.000 đồng/kg so vụ hè thu 2018. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu vào lại tăng không giảm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân. Nhiều cử tri huyện Tri Tôn đề nghị cần có mức hỗ trợ và chính sách cho vay ưu đãi lãi suất thấp cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh.

Về vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, năm 2018, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 2,04%, năm 2019 khả năng đạt 2,6%. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp đến năm 2020. Trong đó, ngành nông nghiệp tập trung mời gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, vụ hè thu 2019, có 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện liên kết với diện tích 14.600ha, vụ thu đông 2019 là 21.000ha. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cho chủ trương để An Giang xây dựng đề án “Sản xuất lúa giống phục vụ chuỗi giá trị lúa gạo bền vững vùng ĐBSCL”, nhằm cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng An Giang trở thành “Trung tâm sản xuất giống lúa, thủy sản, heo của vùng ĐBSCL”.

Theo UBND tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, tăng thu nhập cho người dân. Việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và đầu ra sản phẩm. Từ ý kiến của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố có báo cáo đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để có quy định về định mức hỗ trợ và các chính sách ưu đãi khác nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi theo quy hoạch.

Thực hiện lời hứa với cử tri

Đây là một trong những nội dung được HĐND huyện Tri Tôn tập trung theo dõi, giám sát. Theo ghi nhận trước và sau kỳ họp lần thứ 7 HĐND huyện Tri Tôn khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) vào cuối năm 2018, có 44 ý kiến, kiến nghị thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kiểm tra tại kỳ họp lần thứ 8 (giữa năm 2019), nhiều lời hứa đã được thực hiện cơ bản. Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Tri Tôn Huỳnh Thị Thúy cho biết, có 15/44 ý kiến của cử tri và đại biểu đã được các ngành tham mưu kịp thời cho UBND huyện giải quyết dứt điểm (chiếm 34,1%), 14 ý kiến hiện đang triển khai (chiếm 31,8%) thực hiện, 5 ý kiến được ghi nhận xem xét (chiếm 11,4%), 8 ý kiến đang đề nghị tỉnh hỗ trợ (chiếm 18,2%), 1 ý kiến thuộc trách nhiệm của UBND xã (đã hoàn thiện thủ tục ban đầu). Riêng ý kiến đề nghị có biện pháp nâng cấp độ cao đường dây cao thế, trung thế trên Tỉnh lộ 941, 943, dù đã được cơ quan chức năng trả lời nhưng chưa hết thẩm quyền. “Ban Kinh tế - Xã hội đánh giá sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, sự tích cực tham mưu và tinh thần trách nhiệm của các ngành trong việc tiếp tục rà soát, thực hiện các nội dung đã hứa trước đại biểu và cử tri. Kết quả, có 80,56% ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện đang được triển khai thực hiện và thực hiện hoàn thành, thể hiện được tinh thần trách nhiệm và góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện” - bà Thúy đánh giá.

Đối với 14 ý kiến hiện đang triển khai thực hiện, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Tri Tôn kiến nghị UBND huyện Tri Tôn tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện của ngành và thông tin cho đại biểu, cử tri nắm. Trong số 5 ý kiến được ghi nhận xem xét, có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh như: nâng cấp mộ nữ anh hùng Néang Nghes, hỗ trợ hệ thống loa truyền thanh cho ấp Ninh Thạnh (xã An Tức), mở tuyến giao thông nội đồng từ nhà ông Thi (ấp Trung An) xuống mương N5 (xã Lê Trì), nạo vét các cống trên địa bàn thị trấn Tri Tôn, nâng cấp đường Nguyễn Văn Trỗi (khóm 2, thị trấn Tri Tôn), Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện kiến nghị UBND huyện phân công ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, thông tin kết quả cho đại biểu và cử tri nắm.

Đối với 8 ý kiến đang đề nghị tỉnh hỗ trợ, cũng là những vấn đề đang được cử tri rất quan tâm như: hỗ trợ lúa giống do bị ngập úng vụ đông xuân 2017 trên địa bàn xã Châu Lăng; di dời các hộ tiểu thương về chợ Sao Mai; nạo vét kênh T5 (xã Lạc Quới); giặm vá Quốc lộ N1 và Tỉnh lộ 955B; kéo điện cho 10 hộ dân ở tổ 5 (ấp Sóc Triết, xã Cô Tô)… cần theo dõi và tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để sớm thực hiện…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN