Tăng cường liên kết sản xuất
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, do ảnh hưởng lũ lớn, diện tích xuống giống lúa thu đông trên địa bàn huyện năm nay chỉ đạt 22.800ha, giảm 1.491,7ha so cùng kỳ 2017. Trong khi diện tích lúa đông xuân chỉ tăng nhẹ 198ha (đạt 40.910,35ha) thì diện tích lúa hè thu và vụ mùa đều giảm, kéo theo tổng diện tích lúa gieo trồng cả năm đạt 106.290,4ha, giảm 1.550ha so năm 2017. Bù lại, diện tích hoa màu tăng 182,65ha (đạt 3.845,9ha), năng suất lúa tăng, giá bán duy trì ở mức khá nên đời sống người dân ổn định.
Giao thông trên địa bàn Tri Tôn được đầu tư
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện chú trọng theo hướng tăng cường liên kết nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Trong đó công tác xã hội hóa giống lúa được đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có 11 tổ liên kết sản xuất giống, 1 trang trại, 7 công ty sản xuất giống, 1 cơ sở sản xuất giống với 104 hộ tham gia, đạt diện tích sản xuất giống 1.171,6ha. Đồng thời, tăng cường cơ giới hóa, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, thành lập các hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia của doanh nghiệp. Vụ đông xuân 2017-2018, có 5.238ha thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo mô hình “Cánh đồng lớn”, gồm: Tập đoàn Lộc Trời 693ha, Hợp tác xã Vinacam 2.218ha, Công ty Trịnh Văn Phú 741ha, Công ty Lương thực Miền Bắc 500ha, Angimex Kitoku 305ha, Angimex 200ha, ADC 150ha, Duy An 161ha, Thái Bình 130ha, Tân Long 140ha. Vụ hè thu 2018, diện tích “Cánh đồng lớn” được nâng lên 5.391ha, gồm: Tập đoàn Lộc Trời 2.509ha, Hợp tác xã Vinacam 526ha, Trịnh Văn Phú 239ha, Lương thực Miền Bắc 200ha, Tập đoàn Vinacam 1.000ha, Phú Tân 50ha, Trại giống Thiện Tâm 60ha, Công ty xuất nhập khẩu Cần Thơ 500ha, Tập đoàn Lotus Rice 60ha, AIQ An Giang 110ha...
Bên cạnh nâng cao giá trị cây lúa, Tri Tôn còn đẩy mạnh phát triển diện tích cây ăn trái trên nền đất lúa. Năm 2018, diện tích cây ăn trái chuyển đổi đạt 396,7ha, tăng đến 127,2ha so với năm 2017, tập trung vào các loại: chuối 243,5ha, xoài 74ha, quýt 18,3ha, dừa 15,4ha, nhãn 18ha, cam 14ha, chanh 3ha, ổi 1,4ha, mãng cầu 8,1ha, bưởi 1ha...
Chăm lo an sinh xã hội
Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (cuối năm 2017 còn 5.247 hộ nghèo, chiếm 15,58%, tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020), Tri Tôn luôn chú trọng đến công tác giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm, chăm lo gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... Ngày khai giảng năm học 2018-2019, 29.133 học sinh đã có mặt ở các điểm trường trên địa bàn huyện, tăng 1,2% (346 học sinh) so cùng kỳ. Trong đó việc huy động học sinh cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vượt kế hoạch đề ra, riêng cấp trung học phổ thông đạt 95,66% kế hoạch.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Tri Tôn đã giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động. Khai giảng 5 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, gồm: 2 lớp xây dựng dân dụng ở xã Lương Phi, lớp may công nghiệp ở xã Lương An Trà, lớp kỹ thuật phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật ở xã Cô Tô, lớp may công nghiệp ở thị trấn Ba Chúc, với tổng số 240 học viên tham gia học. Song song đó, khai giảng 3 lớp nông nghiệp gồm: lớp kỹ thuật trồng và thiết kế vườn ở xã Núi Tô, lớp kỹ thuật nuôi bò ở xã Cô Tô, lớp kỹ thuật trồng rau màu an toàn ở xã Lê Trì, có 90 học viên tham gia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trước thực trạng hộ nghèo còn cao, Tri Tôn đã tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 192 hộ được cất mới nhà với số tiền 7,68 tỷ đồng (40 triệu đồng/hộ), 13 hộ được sửa chữa nhà với kinh phí 325 triệu đồng (25 triệu đồng/hộ). Qua vận động “Cây mùa xuân” 2018, có 14.209 phần quà đã được trao tặng cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo với tổng giá trị gần 4,5 tỷ đồng. Huyện còn cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 16.989 người nghèo, 33.732 người dân tộc thiểu số, 18.303 người thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 9.715 người thuộc hộ cận nghèo. Với nguồn tài trợ 200 triệu đồng của Công ty TNHH liên doanh Antraco vào quỹ Đền ơn đáp nghĩa, huyện có điều kiện cất 4 căn nhà cho người có công với cách mạng. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã vận động cất thêm được 109 căn nhà Đại đoàn kết với kinh phí gần 2,7 tỷ đồng, 5 căn nhà (50 triệu đồng/căn) từ chương trình Mái ấm ATV, 4 căn nhà Tình nghĩa (200 triệu đồng). Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg giai đoạn 2017-2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2018 đến nay, Tri Tôn đã cất mới được thêm 32 căn với số tiền 1,6 tỷ đồng, sửa chữa được 179 căn với số tiền 3,58 tỷ đồng. Ngoài ra, có 228 hộ nghèo đã được giải ngân vay vốn sản xuất - kinh doanh với số tiền gần 8 tỷ đồng; chi trợ giúp thường xuyên cho 40.532 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền gần 15,6 tỷ đồng... Đó là những động lực để các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn vươn lên, cùng huyện hoàn thành nhiệm vụ năm 2018.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN