Tri Tôn phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

01/11/2018 - 06:54

 - Với đặc thù vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, huyện Tri Tôn quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới, điều kiện canh tác. Trong đó, chú trọng công nghệ sản xuất mới giúp tăng năng suất, chất lượng, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra và sản xuất phù hợp với tín hiệu thị trường.

Tập trung sản xuất lớn

Dù dân số ít (khoảng 135.000 người) nhưng huyện Tri Tôn lại có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (60.039,74ha, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 43.000ha). Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tạo quỹ đất, thu hút các dự án đầu tư lớn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, những năm qua, huyện đã kêu gọi và thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào 16 dự án với tổng mức vốn đăng ký trên 1.974,7 tỷ đồng (chưa tính vốn đầu tư các công ty sản xuất giống). Cụ thể, trên lĩnh vực xay xát lúa, gạo có Công ty Trịnh Văn Phú (265,4 tỷ đồng), Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn (65 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương Văn Mong (140,7 tỷ đồng), Công ty XNK Phú Thịnh (191 tỷ đồng). Trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty TNHH Giống Chăn nuôi Việt Thắng An Giang (435 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV SD (150 tỷ đồng), Công ty TNHH TM&DV XNK Hoàng Vĩnh Gia (84,6 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Khiết Thành (63,3 tỷ đồng), Công ty Phú Thịnh đầu tư trang trại gà giống tại Lạc Quới (127 tỷ đồng), Công ty Lộc Nghi Xuân nuôi cá sấu, đà điểu kết hợp du lịch sinh thái (150 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực chuối cấy mô, Công ty Vĩnh Phát đầu tư 127 tỷ đồng, Công ty XNK Nông sản Xanh Việt (82,3 tỷ đồng), Công ty SD (40 tỷ đồng). Đối với thế mạnh về dược liệu, Công ty CP Dược Hậu Giang đầu tư 2 tỷ đồng, Công ty Hành Tinh Xanh đầu tư 33,4 tỷ đồng…

Tri Tôn phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Mô hình chuối cấy mô ở Tri Tôn

Phát huy thế mạnh từng vùng đất

Ông Cường cho biết, để tiếp tục phát huy thế mạnh nông nghiệp, huyện đang định hướng quy hoạch và tổ chức lại vùng sản xuất theo hướng phù hợp điều kiện từng vùng.

Đối với đất ven triền núi, gò cao, canh tác phụ thuộc vào nước mưa (khoảng 2.000ha), huyện định hướng phát triển cây ăn trái (bơ, xoài, cây có múi, mãng cầu ta, mít…) kết hợp cây dược liệu (đinh lăng, sâm bố chính, nghệ đen, nghệ vàng…). Riêng với đất ruộng trên, chia 3 nhóm: nhóm 1 gồm khu vực xung quanh 4 hồ chứa nước (Ô Thum, Ô Tà Sóc, Soài So, Soài Chék) với diện tích khoảng 1.000ha, trước mắt phát triển cây ăn trái và kết hợp cây dược liệu. Về lâu dài, sẽ hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái theo hướng GAP kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhóm 2 là 2.000ha có hệ thống thủy lợi ven các trạm bơm vùng cao (trạm bơm Lương Phi, Châu Lăng, An Tức, Lê Trì, Cô Tô - Ô Lâm, An Bình Núi Nước), định hướng phát triển mô hình theo cơ cấu chuyên canh rau màu (đậu nành rau, bắp, cây rau gia vị, rau ăn lá, đậu xanh, gừng...) hoặc 2 màu - 1 lúa (trong đó có lúa mùa đặc sản địa phương). Nhóm 3 là đất ruộng trên thiếu nước tưới, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa (khoảng 2.000ha), trước mắt, cơ cấu mô hình 1 màu (đậu xanh, mè) - lúa mùa đặc sản địa phương. Về lâu dài, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước (theo quy hoạch thêm 6 hồ), phát triển cây ăn trái, dược liệu (tần dày lá, đu đủ lấy mủ, đinh lăng, chúc, nghệ vàng, nghệ đen…) hoặc cây công nghiệp ngắn ngày (mè, bắp lai). 

Ở vùng đồng bằng, đối với đất trong đê bao, hệ thống thủy lợi được bơm tưới hoàn chỉnh (khoảng 24.000ha), cơ cấu lại giống lúa chất lượng cao theo hướng VietGap, an toàn (ưu tiên lúa DSl, lúa Nhật 5.000 - 7.000ha, lúa giống 2.000ha, các giống lúa thơm chất lượng cao), xây dựng “Cánh đồng lớn” gắn kết doanh nghiệp tham gia; dần chuyển 10% diện tích sản xuất sang mô hình lúa - màu (khoai lang tinh bột, mè đen, sen, dưa hấu, rau, dưa...). Đối với vùng đê bao chưa khép kín và đất sản xuất lúa kém hiệu quả, tiếp tục cải tạo từng bước cải thiện năng suất ở những khu vực trồng lúa, đồng thời chuyển một phần đất canh tác lúa hiệu quả thấp sang trồng chuối cấy mô (2.000 - 2.500ha ở Vĩnh Gia, Tân Tuyến, Vĩnh Phước, Lương An Trà), trồng nhãn Idor (100ha ở Tân Tuyến), cây có múi (100ha ở Tà Đảnh); quy hoạch 300ha lúa mùa nổi...

Trong lĩnh vực chăn nuôi heo, huyện sẽ hình thành các trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung ở các xã Vĩnh Gia, Lương An Trà, Lương Phi, An Tức, Tân Tuyến, đồng thời phát triển loại hình nuôi gia công cho Việt Thắng và Công ty Cổ phần CP. Đối với chăn nuôi bò, huyện hình thành 4 trại tập trung ở Vĩnh Gia và Lương An Trà. Trong chăn nuôi gia cầm, hình thành 5 trại tập trung quy mô lớn có liên kết ở các xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, Tân Tuyên, Lương An Trà và thị trấn Ba Chúc. Riêng với thủy sản, hình thành 2 vùng nuôi chuyên canh ở Tân Tuyến (20ha), Lương An Trà (10ha). Ngoài ra, phát triển mô hình nuôi cá trong ruộng lúa - cá, sen - cá ở những vùng có điều kiện như: Tà Đảnh, Lương An Trà, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia...

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN