Tri Tôn quyết tâm tạo đột phá phát triển

16/02/2018 - 01:35

 - “Năm 2017, Đảng bộ và chính quyền huyện Tri Tôn đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng nỗ lực lao động, sản xuất của Nhân dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, cải thiện rõ nét đời sống người dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Đó là động lực để huyện đặt quyết tâm cao hơn trong năm 2018”- Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương đánh giá.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Năm 2017, tuy không xảy ra khô hạn, nắng nóng gay gắt như năm 2016 nhưng thời tiết vẫn diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp (NN) của huyện Tri Tôn. Diện tích, năng suất, sản lượng lúa đều giảm so những năm trước. Tuy nhiên, nhờ địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào NN, phát triển các mô hình NN ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy nên giá trị sản xuất được nâng lên, bù lại thiệt hại về sản lượng do thiên tai.

“Đối với các vùng canh tác lúa kém hiệu quả, huyện khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao hơn. Để người dân tin tưởng, mạnh dạn chuyển đổi, ngành NN huyện xây dựng các mô hình trình diễn để người dân tham quan, đánh giá hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm. Cùng với đó, huyện đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư các mô hình NN sử dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, sản xuất theo quy trình khép kín, có hiệu quả cao như: trồng chuối cấy mô, nuôi heo công nghệ cao, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc…” - ông Phan Văn Sương thông tin.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ 4, từ trái sang) khảo sát tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn Tri Tôn

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ 4, từ trái sang) khảo sát tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn Tri Tôn

Với lợi thế đất rộng, môi trường trong lành, có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hấp dẫn, vài năm gần đây, nhiều DN đã tìm đến Tri Tôn triển khai nhiều dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực NN.

Ông Sương cho biết, năm 2015 - 2016, huyện đã mời gọi được 16 DN đầu tư vào NN, với tổng vốn đăng ký hơn 1.700 tỷ đồng. Năm 2017, Tri Tôn tiếp tục mời gọi Công ty Cổ phần SXTM Hành Tinh Xanh đầu tư nhà máy chưng cất tinh dầu trầm hương tại xã Lê Trì và đang tổ chức liên kết tiêu thụ với các hộ dân trong vùng, trước mắt 30ha. Trên địa bàn xã Lương An Trà, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú mở rộng cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón với hệ thống siêu thị theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất lúa giống Hai Thụ cung cấp lúa giống 6.000 tấn/năm tại xã Tà Đảnh, Công ty TNHH XNK Xanh Việt đầu tư mô hình trồng chuối gần 100ha tại xã Tân Tuyến…

Đảm bảo an sinh xã hội

So với các địa phương trên địa bàn tỉnh, tốc độ giảm nghèo ở huyện Tri Tôn khá nhanh nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Năm 2017, dù đạt tỷ lệ giảm nghèo 4% so năm 2016 (đạt chỉ tiêu kế hoạch) nhưng đến cuối năm, trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 4.882 hộ nghèo trong tổng số 33.644 hộ, chiếm 14,51%. Ngoài ra, còn có 2.187 hộ cận nghèo, chiếm 6,5%.

Là địa bàn có đông đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, Tri Tôn từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, nơi có đến 2 căn cứ của Tỉnh ủy khi xưa. Hiện nay, số gia đình có công, thương binh, liệt sĩ ở huyện Tri Tôn còn rất lớn. Đây là địa phương có nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng nhất tỉnh. Cùng với chăm lo hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, việc chăm lo cho gia đình người có công luôn được địa phương quan tâm.

“Trước đây, huyện rất đau đầu với việc xây dựng nhà Tình nghĩa cho gia đình có công. Với cả ngàn hộ có nhu cầu về nhà ở nhưng mỗi năm chỉ vận động được khoảng 10 căn nhà Tình nghĩa. Từ khi có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người có công, huyện được hỗ trợ rất nhiều. Riêng năm 2017, huyện được phân bổ nguồn kinh phí xây dựng nhà Tình nghĩa khá lớn.

Đợt 1, được phân bổ 250 căn, đã xây dựng hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao. Đợt 2, huyện được phân bổ thêm 239 căn, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 để các gia đình có công thêm ấm lòng” - ông Phan Văn Sương chia sẻ.

Tri Tôn kêu gọi đầu tư vào khu DL Soài So

Tri Tôn kêu gọi đầu tư vào khu DL Soài So

Do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội rất lớn nên công tác an sinh xã hội của huyện Tri Tôn đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, huyện đã trợ cấp quà Tết cho 5.668 đối tượng chính sách (trị giá hơn 2,72 tỷ đồng), 4.254 đối tượng bảo trợ xã hội (gần 1,5 tỷ đồng), 8.791 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo (hơn 2,64 tỷ đồng), 2.024 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (290,7 triệu đồng).

Năm 2017, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp cho gần 1.000 đối tượng chính sách và người có công với số tiền gần 6,35 tỷ đồng. Đối với đồng bào Khmer khó khăn, huyện đã phối hợp thực hiện giải quyết nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề… với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.

“Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới, huyện tiếp tục triển khai vận động nhiều nguồn đóng góp để các hộ nghèo, khó khăn, các gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội đều có quà vui Xuân, đón Tết” - ông Sương nhấn mạnh.

Khai thác lợi thế mới

Nhắc đến du lịch (DL) An Giang, nhiều người hay nghĩ đến Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), DL núi Cấm (Tịnh Biên) nhưng trên thực tế, Tri Tôn cũng là địa phương có tiềm năng rất lớn về DL. Những người yêu thích lịch sử cách mạng, không thể bỏ qua di tích lịch sử Ô Tà Sóc và đồi Tức Dụp - 2 căn cứ của Tỉnh ủy năm xưa, gắn liền với những chiến công oai hùng của quân - dân An Giang trong kháng chiến chống Mỹ.

Căn cứ Ô Tà Sóc nằm dưới chân núi Dài (xã Lương Phi) với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thích hợp cho những chuyến dã ngoại. Trong khi đó, đồi Tức Dụp nằm dưới chân núi Tô (xã An Tức), gắn liền giai thoại “ngọn đồi 2 triệu đô-la”.

Căn cứ Tỉnh ủy cùng các hoạt động trong hệ thống hang, lò ảng của ngọn đồi được phục dựng lại, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí được nâng cấp giúp khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp trở nên hấp dẫn hơn.

Đối với những người thích DL khám phá, đồi Tà Pạ, núi Dài, núi Cô Tô là những lựa chọn không thể bỏ qua. Đồi Tà Pạ nổi tiếng với hồ nước đẹp sững sờ, ngôi chùa Tà Pạ cổ cùng những mảnh ruộng nhỏ nhiều màu sắc xung quanh.

Trong khi đó, những điểm trên núi Dài, núi Cô Tô lại thích hợp cho những nhiếp ảnh gia săn những tấm ảnh "độc" lúc bình minh ló dạng hoặc hoàng hôn buông xuống. Ngày nay, khi những hồ chứa nước quy mô lớn được triển khai ở các chân núi của huyện Tri Tôn, những cái tên hồ như: Soài So, Ô Tà Sóc, Soài Check, Ô Thum trở nên hấp dẫn với những nhóm “phượt”, các cặp đôi sắp kết hôn muốn lưu lại những bức ảnh gần gũi thiên nhiên.

Ông Phan Văn Sương cho biết, đối với các hồ: Ô Tà Sóc, Soài Check và Ô Thum, một số nhà đầu tư vào tìm hiểu xây dựng điểm DL sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Riêng khu DL Soài So đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và mời gọi DN vào đầu tư, khai thác. Soài So - Suối Vàng vốn là địa điểm DL nổi tiếng từ lâu của huyện Tri Tôn với cảnh đẹp hùng vĩ, ngôi chùa tâm linh, phù hợp phát triển DL khám phá, nghỉ dưỡng, ẩm thực… “Đảng bộ huyện Tri Tôn rất quan tâm đến phát triển DL. Đây là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Tri Tôn. Huyện sẽ triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù, dành sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho các DN đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực DL trên địa bàn huyện” - ông Sương nhấn mạnh.

Nếu trước đây, đường về Tri Tôn được xem là khó khăn nhất so với các địa phương khác thì hiện nay, các tuyến giao thông chính về Tri Tôn đều thuận lợi. Cùng với các tuyến Tỉnh lộ: 941 (Châu Thành - Tri Tôn), 943 (Thoại Sơn - Tri Tôn), 948 (Tri Tôn - Tịnh Biên) được đầu tư hoàn chỉnh, còn có các tuyến nối xuống tỉnh Kiên Giang như: N1 (qua Tri Tôn nối xuống Hà Tiên), tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy… Đây sẽ là những tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho huyện Tri Tôn phát triển.

 

NGÔ CHUẨN