Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mục tiêu phấn đấu cuối năm 2024, An Giang có 127.600 người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 13,62% lực lượng lao động trong độ tuổi; 22.547 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 4,63% lực lượng nông dân và lao động phi chính thức trong độ tuổi và 1.775.033 người tham gia BHYT, chiếm 93% dân số.
Giám đốc BHXH An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết: “Kế hoạch nhằm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh giao năm 2024, đưa thẻ BHYT đến với người dân hết hạn và đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ (được hỗ trợ 70% mức đóng khi tham gia BHYT, thời gian hỗ trợ 36 tháng, kể từ ngày 1/11/2023), tuyên truyền, vận động người dân đóng tiếp BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, thẻ BHYT”.
Để đạt các mục tiêu, Giám đốc BHXH An Giang Đặng Hồng Tuấn chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác, gồm: Ban lãnh đạo BHXH tỉnh đi cơ sở để giám sát trực tiếp tại 11 huyện, thị xã, thành phố; Ban Giám đốc BHXH cấp huyện làm việc với UBND các xã, thị trấn (Ban Chỉ đạo cấp xã) có nhiều người chưa tham gia BHYT, thẻ BHYT đã hết hạn, ngừng đóng BHXH tự nguyện; khóm, ấp có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (được hỗ trợ 70% mức đóng) để vận động tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; phối hợp phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Hiện, An Giang còn 14.709 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 21 xã, thị trấn thuộc các huyện An Phú, Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên chưa được gia hạn hoặc thẻ BHYT sẽ hết hạn trước 31/12/2024.
HẠNH CHÂU