Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

19/02/2019 - 07:38

 - Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ký ban hành ngày 26-12-2018. Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Chương trình giáo dục phổ thông mớisẽ giảm số giờ học ở các bậc học, có điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí cho học sinh

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Lộ trình thực hiện cụ thể: từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Ở bậc tiểu học, có 7 môn học của lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5 (chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2, lớp 3; 11 môn học ở lớp 4, lớp 5). Ở bậc THCS, các lớp đều có 12 môn học (lớp 6 và lớp 7 hiện có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 hiện có 17 môn học). Ở bậc THPT, các lớp đều có 13 môn học (lớp 10 và lớp 11 hiện có 16 môn học; lớp 12 hiện có 17 môn học).

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số giờ học ở các bậc học, có điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí. Đồng thời, giảm kiến thức kinh viện (chương trình giáo dục phổ thông mới lấy phát triển phẩm chất và năng lực của người học làm trọng tâm nên bài học nhẹ nhàng hơn), tăng cường dạy học phân hóa, thực hiện phương pháp dạy học mới, đổi mới việc đánh giá kết quả… Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày nhằm giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện, sinh hoạt văn hóa- nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, ở cấp tiểu học hiện có trên 80% số học sinh cả nước đang học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân do một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để thực hiện được quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm cho học sinh không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương cần cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định tại Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, không dạy các môn tự chọn. Đối với các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, cần có kế hoạch sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc hợp lý để dạy các môn tự chọn cho học sinh có nguyện vọng; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh chưa đáp ứng yêu cầu; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện cho học sinh…

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 737 trường học, cơ sở giáo dục, với trên 13.100 lớp học. Số phòng học cơ bản đảm bảo cho các khối lớp học chủ yếu một buổi. Riêng khối tiểu học, cơ bản đáp ứng học 2 buổi/ngày cho 2 khối lớp như năm học trước. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tiểu học triển khai dạy 2 buổi/ngày đối với 2 khối lớp đầu cấp để chuẩn bị cho lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Qua đó, rà soát được những khó khăn về cơ sở vật chất để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng làm người, lối sống lành mạnh cho học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi cử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, tin học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học. Đẩy mạnh phong trào khuyến học - khuyến tài để chăm lo cho tất cả học sinh, không để các em bỏ học giữa chừng.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH