Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023

14/01/2023 - 10:47

 - Sáng 14/1, tại điểm cầu Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các tỉnh, thành phố, để triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước chủ trì tại điểm cầu An Giang.

Điểm cầu tỉnh An Giang

Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm trong năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19.

Cả nước đã chi chính sách hỗ trợ hơn 104.000 tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động; gần 143.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021; toàn ngành hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần “Hiếu nghĩa, bác ái”, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Theo đó, ngành tiếp tục cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh, tiếp tục phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều. Đặc biệt quan tâm sâu sát, xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam…