Năm 2018: xuất khẩu 18,43 triệu USD
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Dương, chăn nuôi gia cầm gần đây có sự nhảy vọt, từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần dần chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn. Năng suất ngày càng tăng, lợi nhuận ngày càng nhiều. Vì thế, chăn nuôi gia cầm không còn là “nghề phụ” mà ở nhiều nơi đã trở thành hướng đi chính trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6% (trong đó gà thịt tăng 7,24%). Đến năm 2018, sản lượng thịt gia cầm (hơi) đạt trên 1,1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả. Hiện nay, nông dân, chủ trại trên cả nước đang nuôi khoảng 409 triệu con gia cầm (gà chiếm 77,5% còn lại 22,5% là thủy cầm). Sản lượng trứng cũng gia tăng mạnh với tốc độ là 11,04%. Hiện gia cầm đang được chăn nuôi rộng rãi trên khắp cả nước. Tại khu vực Đông Nam bộ, nơi có tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm cao nhất là Bình Dương với 10,5%; còn Đồng Nai có đàn gia cầm lớn nhất với gần 20,5 triệu con. Tại đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình và Quảng Ninh là nơi đang có tốc độ và sản lượng tăng cao nhất; Hà Nội là nơi đang có số lượng gia cầm nuôi nhiều nhất với hơn 25,6 triệu con. Hiện nay có 2 hình thức chăn nuôi chủ yếu là trang trại và nông hộ. Trong đó, chăn nuôi trang trại đang có xu hướng phát triển nhanh với số lượng từ 10.000 - 12.000 trang trại (nhiều nhất là tại đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và ĐBSCL).
Ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng, lợi thế cho xuất khẩu...
Về thị trường, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, trong nhiều năm qua, chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng đã đáp ứng rất tốt cho thị trường tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá cả, mang lại nguồn thu đáng kể cho người chăn nuôi. Tuy nhiên hiện nay, trước xu thế gia tăng nguồn cung, nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư thì phải tính bài toán xuất khẩu để gia tăng giá trị kinh tế mà ngành chăn nuôi có thể đem lại. Để đón đầu xu thế này, 3 năm trở lại đây, đã có một số doanh nghiệp tiên phong đưa sản phẩm chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đi các nước, giá trị xuất khẩu tăng trưởng liên tục. Nếu như trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mới đạt trên 3,05 triệu USD thì năm 2017 lên 5,58 triệu USD và năm 2018 đạt hơn 18 triệu USD.
Hiện nay, các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam đang chế biến xuất khẩu là trứng vịt tươi, trứng vịt muối luộc, lòng đỏ trứng vịt muối, thịt gà chế biến, trứng cút đóng lon, bột trứng, gà ác tiềm… Mỗi năm, trung bình Việt Nam đang xuất khẩu từ 1,25 - 1,5 triệu con gia cầm giống và khoảng 10 -15 triệu quả trứng vịt muối. “Riêng thịt gà thì mới bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9-2017, đến năm 2018 đạt gần 8.000 tấn thịt gà đã qua chế biến”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Thịt, trứng hưởng lợi thế của FTA
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận thêm những thị trường mới, nhiều tiềm năng. Trước lo ngại của doanh nghiệp về việc sản phẩm gia cầm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh tại những thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định từng thị trường mục tiêu, thị hiếu tiêu dùng của nước nhập khẩu để chia phân khúc xuất khẩu sản phẩm gia cầm phù hợp. Ví dụ, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như ức gà, lườn gà vì đây là sản phẩm được các thị trường ưa chuộng, nhu cầu cao. Còn các sản phẩm đùi gà, cánh gà thì dành cho thị trường trong nước. Theo ông Toản, các thị trường mục tiêu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu thịt gà là Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines và các thị trường tiềm năng là Arab Saudi, Nam Phi... Còn đối với trứng gia cầm thì nên tập trung cho các thị trường truyền thống là các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Mặc dù nguồn cung dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của các nước rất lớn nhưng theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), việc xuất khẩu các sản phẩm thịt gia cầm của Việt Nam không đơn giản, vì chúng ta được miễn giảm thuế nhờ các hiệp định FTA nhưng lại mắc hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt từ các nước. Ông Đông dẫn chứng, để xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản, Bộ NN-PTNT phải mất 2 năm đàm phán với cơ quan chức năng Nhật Bản. Hiện nay, mặc dù đã được Nhật Bản chấp thuận nhưng từng lô hàng gia cầm từ Việt Nam cập cảng đều phải lưu lại để cơ quan thú y Nhật Bản lấy mẫu kiểm tra các loại mầm bệnh, chỉ tiêu tồn dư kháng sinh… Do đó, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp phải đầu tư nuôi khép kín hoặc có chuỗi liên kết an toàn, áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý hiện đại. Thêm nữa, phải kiểm soát chặt dịch bệnh, “tẩy chay” kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Nếu để dịch bệnh xảy ra, hoạt động xuất khẩu gia cầm có thể bị dừng, mất thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, giải pháp để có ngành chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh là phải từng bước giảm dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần cơ sở chăn nuôi lớn, khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP… tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi hội nhập quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất đi các nước tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chứng nhận chất lượng để tiếp cận các thị trường có hàng rào kiểm dịch với yêu cầu cao.
Theo PHÚC HẬU (Sài Gòn Giải Phóng)