Gần 10 tháng qua, “trường khóm Nguyễn Du” im ỉm, bỏ mặc những lớp bụi dày mỏng bao phủ. Có mặt tại lớp học tình thương vào những ngày đầu hoạt động trở lại, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các em nhỏ.
Dù không gian lớp khoảng 22m2, nhưng hơn 10 năm qua nơi đây luôn là nơi mang đến tiếng cười, gieo mầm tri thức và hy vọng cho trẻ em nghèo ở xóm lao động này. Ngoài những gương mặt thân quen, một vài bạn vắng vì phải theo ba mẹ mưu sinh. Sau những tiếng đánh vần, tập đọc rõ to là tiếng gọi í ới, nào là: “Cô ơi xem em viết thế này đã được chưa?”, “Cô ơi, chữ này em nhớ mà đọc không được!”… Cứ thế, cô và trò lớp học tình thương bắt đầu buổi học sau bao ngày xa vắng.
Lớp học tình thương mở cửa trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19
Gắn bó, truyền đạt tri thức cho hơn 10 trẻ em nghèo khóm Nguyễn Du, cô Phan Thu Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Sau nhiều tháng nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19, vừa nghe tôi thông báo đi học lại, các em rất mừng. Thế là, tụi nhỏ xin cho vào lớp trước 1 ngày để dọn dẹp bàn ghế, lau chùi lớp học sạch sẽ. Thấy các em ham học vậy, tôi vui lắm!”.
Nhìn học trò cặm cụi gò từng con chữ, cô Thủy trầm tư: “Nói thật, lớp học tình thương gần như trở về “nơi bắt đầu”. Các em quên hết mặt chữ. Có em biết đọc nhưng quên cách viết, có em thì ngược lại, biết viết nhưng không nhớ phải đọc thế nào. Cũng không trách được, bởi gia đình nghèo khó, cái ăn còn phải chạy lo từng ngày, việc tạm dừng đến lớp trong thời gian quá dài, không có người nhắc nhở chuyện học hành, các em rất dễ quên bài. Có em còn làm mất tập, sách, dụng cụ học tập và quần áo đến lớp. Vậy là, tôi phải phát mới cho các em”.
Lớp học sau dịch bệnh còn 12 em theo học, nhỏ nhất 9 tuổi, lớn nhất... 21 tuổi. Với cô Thủy, nỗi lo lắng hiện tại là trong số ấy có hơn phân nửa chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, vì chưa đến tuổi. Để đảm bảo an toàn cho các em khi đến lớp, ngoài vệ sinh lớp học sạch sẽ, cô Thủy trang bị khẩu trang, xịt khử khuẩn tại lớp và giữ khoảng cách cho các em trong suốt quá trình học. Song song đó, các em được cô giáo nhắc nhở phải thực hiện thông điệp “5K” từ trong lớp học đến khi về nhà.
Trước dịch, lớp học tình thương hoạt động 3 buổi/tuần. Hiện tại, cô Thủy cho các em đến lớp 1-2 buổi/tuần. “Buổi học tuy giảm lại nhưng chất lượng phải đảm bảo. Cô trò cùng cố gắng, sau vài buổi học các em sẽ quen lại ngay. Chỉ thương một vài em phải theo gia đình đi mưu sinh nơi xứ người, không còn đến học ở đây được, nhưng vẫn không quên nhờ tôi đừng nói với lớp, sợ các bạn buồn!” - cô Thủy tâm sự.
Gần 10 năm qua, cô Phan Thu Thủy miệt mài uốn nắn cho các em từng con chữ, tập cho các em toán cộng, trừ, nhân, chia và dạy các em hát, kể các em nghe những mẩu chuyện cổ tích, ngụ ngôn… Chính tình yêu là động lực để cô bền tâm dìu dắt các em, nắn nót từng con chữ, tranh thủ nguồn vận động từng cuốn tập, quyển sách, cây viết, thậm chí là bộ quần áo, đồng phục tinh tươm. Những ngày cuối tháng 2-2022, khi tôi đến thăm lớp học tình thương, trùng hợp cũng có vài nhà hảo tâm mang quà bánh, thức ăn đến tiếp thêm tinh thần, động lực để cô và trò cùng cố gắng.
Với học trò nghèo ở xóm lao động ấy, những tình cảm dù là nhỏ nhất của mọi người dành cho, các em đều rất trân trọng và biết ơn. “Được trở lại lớp học, em rất vui và hứa sẽ chăm ngoan. Cô Thủy luôn ân cần chỉ dạy dù em và các bạn đã quên hết con chữ. Chúng em cảm ơn cô rất nhiều!” - em Nguyễn Nhã Kỳ (12 tuổi) bộc bạch.
Rời lớp học tình thương trong tiếng đánh vần to rõ của các em, tôi vừa vui, vừa chạnh lòng, vì mỗi em mang một hoàn cảnh, tuy khác nhau nhưng đều rất khó khăn. Hy vọng các em tiếp thu được nhiều điều tốt đẹp từ lớp học “trường khóm” này để phấn đấu, vươn lên từng ngày!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN