Bữa đó là buổi chiều, Sài Gòn mưa như trút nước, khi đã xin được việc làm, tôi cần phải có một phòng trọ gần chỗ làm, nên nhờ Tấn Huy chở đi thuê trọ. Căn nhà hai tầng nằm sâu trong hẻm làm chúng tôi ưng ý ngay. Chủ nhà cho thuê hẳn tầng hai có ban công rộng và thoáng, có làm cầu thang riêng, có nghĩa là dù đi sớm về muộn cũng không ảnh hưởng đến ai trong nhà cả. Huy gật đầu:
- Nơi này được đó em. Ở Sài Gòn hiếm có nơi nào vậy.
Không ngần ngại, tôi ký ngay vào hợp đồng.
- Bao giờ thì ở được ạ?
- Chị có thể chuyển đến trong chiều nay luôn. Đây yên tĩnh lắm, nhà chỉ có hai người, em và mẹ, em thì đi suốt.
Huy đưa tôi đi sắm vài thứ lặt vặt, tôi chuyển đến ở ngay từ chiều ấy.
Tôi làm nhân viên văn phòng, sáng đi sớm, chiều về tầm 17 giờ, lối lên tầng hai riêng, nên không mấy khi để ý nhà chủ. Chỉ thấy một điều lạ là cứ tầm 16, 17 giờ chiều, là bà chủ nhà lại thắp nhang, chẳng biết thờ tự ai; mà mùi nhang nghi ngút riết thành quen. Sợ tôi buồn nên Huy mang đến một chậu hoa mười giờ nhỏ, anh tỉ mỉ dặn:
- Em chăm tưới nước cho nó với nhé. Nó nở hoa rồi đó!
Huy người gốc Sài Gòn, đẹp trai và hiền lành, đem lòng thương nhớ cô người yêu cũ ngót nghét mười năm, vẫn chưa thôi để tìm bến mới. Chúng tôi quen nhau trong một hội sách, Huy cũng là người bạn thân đầu tiên và duy nhất của tôi khi tôi đến Sài Gòn.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tận mắt dì chủ nhà, khi dì đứng say mê ngắm chậu hoa mười giờ đỏ rực trong nắng, mà không biết tôi đã về. Dì ngoảnh mặt lại, vẻ mặt phúc hậu với đôi mắt đen thẳm sâu một nỗi niềm u uẩn, nét cười cũng thấy buồn:
- Hoa đẹp quá mày ha?!
- Của một người bạn mang đến cho cháu.
- Thằng Huy, tao biết mà, chắc nó yêu mày lắm!
- Không phải đâu dì ơi. Huy nặng lòng với người cũ.
- Không, mày nghe tao đi. Tao để ý tao biết. Có nhiều hôm nó đến, đứng tần ngần dưới lầu nhìn mày ngồi trên này nhưng nó không lên. Tao trải qua rồi nên tao hiểu mà. Mày ngoài đó vào đây, lấy được nó người Sài Gòn có nơi có chốn cũng tốt, nhưng cẩn thận, đừng như tao, khổ cả đời nghe mày!
Dì chủ rót nước cho tôi uống, và đưa một quyển album đã cũ.
- Mày xem đi, mày nhận ra tao không? Đây là mấy hình cưới tao hồi năm 1987. Đây là ông Phúc, chồng tao. Cái hồi xưa đó…
Trong hình là cô dâu xinh đẹp mặc áo dài đầu đội khăn đóng, đứng cạnh chú rể nhưng khuôn mặt cô dâu phảng phất nét buồn.
- Hồi đó tao còn ít tuổi hơn mày.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Dì là người Sài Gòn gốc, chính xác là tiểu thư "cành vàng lá ngọc", được học hành đàng hoàng. Rồi cha mẹ gả chồng - đó là anh cả của năm đứa em thơ, nhà chẳng có gì ngoài mấy công ruộng. Lo cho bố mẹ chồng già đau yếu, rồi các em lớn lên, dì quên mất tuổi xuân của mình bên những mẹt hàng rong, khi mà vàng bạc của cha mẹ đẻ cho mang về làm của hồi môn dần vơi cạn. Ông Phúc chồng dì làm công nhân nhà máy, đi biền biệt.
- Ngày ổng có vợ bé, ổng về ép tao ký vào đơn li dị. Nhưng tao nhất quyết không?
- Sao vậy? Nếu đã không còn tình cảm, con nghĩ là nên chấm dứt, để bắt đầu.
- Tao thì tao không nghĩ như mày, tao không ký đơn, vì tao muốn con tao có bố. Nó kém mày vài tuổi, học đại học kiến trúc, nhưng mê hát lắm, đi diễn miết không mấy khi ở nhà.
Đó là dì đang nói đến An - cậu con trai duy nhất, người đưa bản hợp đồng thuê nhà cho tôi ký hôm tôi mới đến.
- Tao không có ý định cho thuê nhà đâu. Thằng An nó đi miết, sợ mẹ cô đơn hoài nên cho thuê tầng hai, mà mày cũng đi miết, không mấy khi ở. Chỉ có chậu hoa mười giờ của thằng Huy làm bạn với tao! Dì lặng lẽ trút tiếng thở dài.
- Hay dì cứ mang về, để luôn dưới lầu này, ít bữa con bảo anh Huy mang đến cho con giỏ hoa khác.
- Không, mày không biết rồi, Huy nó thử lòng mày đó. Muốn biết một người có yêu mình hay không, hãy đưa gửi họ một giỏ hoa, hay nhờ nuôi một con chim, nếu hoa không bị héo, con chim không bị bỏ đói, thì hẳn người ta quan tâm mình thật sự.
Tôi ngẩn người.
- Ôi, vậy mà con không biết, con quên mất, có khi cả tuần con không tưới nước. Mà loài hoa này khỏe thật, vẫn cứ xanh tươi, nở hoa đỏ rực.
- Mày nhầm rồi, sáng nào tao cũng tưới nước. Nó mới tươi tốt vậy.
- Mày không hợp với Sài Gòn thật, nếu có cơ hội, quay về Bắc vẫn hơn!
Ngày tôi rời Sài Gòn, Huy bảo sẽ đưa ra ga nhưng tôi chối từ. Bỗng nhiên tôi sợ cái cảm giác ngoái lại nhìn một người đơn độc ngóng mình khi con tàu rời ga, lao vun vút trên đường ray thẳng tắp. Tôi bỏ Sài Gòn, bỏ ban công đầy nắng và chậu hoa mười giờ nhỏ xinh vẫn rung rinh trong nắng, không một chút bận tâm.
Hôm nay tôi nhận được tin nhắn của Huy vào chiều muộn: Lâu lắm rồi anh mới ghé nhà cũ, dì chủ nhà đã mất từ mấy hôm trước vì đột quỵ. Chỉ có những khóm hoa mười giờ trên ban công tầng hai vẫn tươi tốt.
Tôi gấp vội vài bộ áo quần, đáp chuyến xe muộn ra sân bay, mua vé đi TP HCM. Một sự trở về không hẹn trước.
Theo BẢO PHÚC (Người Lao Động)