Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Nguyễn Thành An đã có cuộc sống khấm khá hơn
Thành công từ cây nhãn Ido
Đến thăm vườn nhãn Ido rộng 5ha của ông Nguyễn Thành An, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vùng đất nhiễm phèn trước kia đã trở thành vườn nhãn xum xuê cây trái. Thành công của ngày hôm nay đến từ sự cần cù, siêng năng cũng như việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi, ông An cho biết, những năm qua, tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân gặp khó khăn về giá cả, đầu ra, điệp khúc “trúng mùa mất giá” diễn ra, thường xuyên. Có những năm các công ty không mua hết lượng lúa hàng hóa của nông dân, hoặc có mua thì tiến độ rất chậm. Lợi dụng tình hình này, thương lái thường “ép” giá bà con nông dân, làm người nông dân gặp rất nhiều bất lợi, lợi nhuận thu được từ cây lúa thấp… “Từ thực tế đó, cùng với những trăn trở về sự chuyển dịch cây trồng, năm 2016-2017, tôi mạnh dạn thực hiện theo chủ trương của địa phương, chuyển đổi 1,5ha đất từ trồng lúa sang trồng cây nhãn Ido. Ngay vụ nhãn đầu tiên, thương lái đã vào tận vườn thu mua với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 150 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục cải tạo ruộng đất để phát triển mô hình trồng cây nhãn Ido. Đến nay, tổng diện tích trồng nhãn của tôi là 5ha” - ông An chia sẻ.
Trồng nhãn Ido trên đất lúa, ông An lên líp mặt mương 4m và chân bờ 5m, mặt bờ còn lại 4m, cách cây 5m, 1ha trồng được 210-220 cây nhãn. Nhãn Ido phát triển rất nhanh, kháng sâu bệnh tốt. Nếu chăm sóc kỹ, trong 2 năm cây cho trái chiến, năng suất mỗi cây khoảng 20kg. Đến năm thứ 5, mỗi cây cho năng suất bình quân 80-100kg. “Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây nhãn Ido, tôi đã vận động được 4 hộ xung quanh mở rộng thêm diện tích 8,35ha. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái với diện tích 13,35ha, trong đó có sự tham gia của 16 thành viên, thời gian trồng đến thời điểm hiện nay khoảng hơn 1 năm” - ông An chia sẻ.
Canh tác lúa thông minh
Bên cạnh việc trồng cây nhãn Ido, ông Nguyễn Thành An còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa thương phẩm ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến). Bản thân ông tham gia Dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất lúa gạo bền vững gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”. Trong quá trình thực hiện dự án, ông An được tham gia nhiều lớp tập huấn về sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; tập huấn về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân; được hỗ trợ tiêu thụ lúa, gạo theo chuẩn SRP… Nhờ mạnh dạn áp dụng các phương pháp được các nhà khoa học, các chuyên gia hướng dẫn như: sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học; bón phân cân đối ưu tiên cho các loại phân vi sinh, phân hữu cơ… đã giúp ông An giảm chi phí sản xuất rất lớn, lợi nhuận từ đó tăng đáng kể, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng lúa, gạo trên thị trường và có được những định hướng phát triển lâu dài theo hướng bền vững.
Không những là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương, ông An còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân lân cận về kỹ thuật làm vườn cũng như truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất lúa. Nhờ sự giúp đỡ của ông An, nhiều hộ dân đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ngày càng khấm khá hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, ông An và gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện, đóng góp cho các nguồn quỹ xã hội ở địa phương mỗi năm trên 30 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Thành An được Hội Nông dân tỉnh xét và công nhận danh hiệu nông dân giỏi cấp tỉnh 9 năm liền. Gia đình ông An vinh dự được công nhận gia đình văn hóa từ năm 2001 và hàng năm đều được công nhận gia đình văn hóa, hiện nay là gia đình văn hóa tiêu biểu.
ĐỨC TOÀN