Trồng sen trên đất lúa vụ thu đông

03/11/2022 - 06:54

 - Vụ thu đông 2022, nhiều nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng sen. Nhờ việc chuyển đổi này đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích, đồng thời giúp cải tạo ruộng đất cho vụ trồng lúa tiếp theo. Đây còn là mô hình phù hợp trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Đây là năm đầu tiên gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thí điểm mô hình trồng sen trên đất lúa với diện tích 6.000m2. Dù đây chỉ là vụ đầu tiên chị Kiều sản xuất theo hình thức này, nhưng cây sen đã và đang phát triển tốt, mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Chị Kiều cho biết, những năm trước, gia đình chị chủ yếu canh tác lúa vụ 3. Gần đây, thấy chi phí sản xuất tăng thêm mà sản lượng lúa sụt giảm, vụ thu đông có nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng mưa bão kéo dài, do vậy phải sử dụng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, cùng với đó là tốn thêm các khoản chi phí cho việc bơm rút nước, trong khi nhiều lúc lúa khó tiêu thụ, giá bán rất bấp bênh…

“Thấy ở địa phương có nhiều hộ trồng sen, nên tôi bàn bạc với gia đình và quyết định phát triển loại cây trồng này. Sau thời gian canh tác, tôi thấy đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại khả quan hơn so nhiều loại cây trồng khác” - chị Kiều chia sẻ.

Cây sen dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế khả quan

Gia đình chị Kiều chủ yếu trồng sen lấy gương. Theo chị Kiều, sen thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể canh tác liên tục trong năm. Cây sen trồng khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch liên tục khoảng 4 tháng, từ lúc trồng đến khi thu hoạch xong từ 6-7 tháng/vụ sen. Sau khi hết đợt thu hoạch, cần tiến hành bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật để nuôi dưỡng cây sen, khoảng 1-2 tháng sau có thể thu hoạch tiếp.

Không giống như chị Kiều, gia đình anh Nguyễn Văn Tèo (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) có nhiều năm gắn bó với cây sen. Anh Tèo cho biết, do canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, nên quyết định chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

“Mấy năm gần đây, tôi nhận thấy chi phí sản xuất lúa mỗi năm cứ tăng thêm mà sản lượng sụt giảm. Đối với vụ lúa hè thu và thu đông, năng suất không cao, trong khi đó, chi phí đầu tư cho vụ mùa sản xuất khá nhiều nên thu nhập bấp bênh. Thấy nhiều nơi trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển sang loại cây trồng này” - anh Tèo bộc bạch.

Hơn 4 năm trồng sen bán gương, anh Tèo đánh giá đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, loại cây trồng này rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể canh tác liên tục trong năm.

Nói về phương pháp trồng sen, anh Tèo chia sẻ: “Trước khi xuống giống phải làm đất kỹ mới bơm nước vào để xuống giống. Tùy theo kỹ thuật của từng người mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200-300 bụi/công. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch gương kéo dài trong khoảng 2-3 tháng và có thể thu hoạch liên tục trong vòng 1 tháng tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất, có thể tiến hành trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp”.

Cũng theo anh Tèo, trong quá trình canh tác, chỉ cần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần/vụ, do đó chi phí đầu tư trồng sen thấp hơn nhiều so nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, trồng sen lấy gương phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen bị nhiều hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt sen.

Theo anh Nguyễn Đức Thắng (xã An Thạnh Trung), cây sen cho năng suất bình quân 700-800kg gương/công (1.000m2). Giá mặt hàng này tương đối ổn định, từ 12.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, có thời điểm, giá gương sen tăng rất cao, từ 50.000-60.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1 công đất trồng sen khoảng 1,5 triệu đồng, người trồng sen có thu nhập khá.

“Hiện nay, gia đình tôi canh tác khoảng 7 công sen. Cách 2-3 ngày, gia đình tôi thu hoạch 50-60kg gương. Gương sen được bán cho thương lái với giá 12.000đồng/kg. Với mức giá này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình” - anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng cho biết thêm, giá gương sen thường cao vào thời điểm cận Tết Nguyên đán do người dân thu mua số lượng lớn để làm các loại bánh, mứt nên gương sen rất hút hàng.

Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua nên nông dân không phải lo về đầu ra. Việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây sen đã góp phần đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân, mô hình trồng sen trên đất lúa còn góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức thu nhập 150.000-300.000 đồng/người/ngày.

ĐỨC TOÀN