Theo kênh CNN, tuần qua chứng kiến căng thẳng gia tăng trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo tăng thuế với gần như mọi hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ. Sau đó, Mỹ còn coi Trung Quốc là nước cố tình định giá thấp đồng nội tiền tệ, khiến căng thẳng thêm gia tăng.
Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6/8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là nước hạ giá đồng nội tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.
Từng cho biết sẵn sàng chiến đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại nếu cần thiết, liệu Trung Quốc có dùng tới vũ khí nghìn tỷ đô la với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ?
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể gây ra cơn kinh hãi trên thị trường trái phiếu khi bán giá rẻ một phần trong số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 1.100 tỷ USD mà nước này đang nắm giữ. Khi bán ra ồ ạt trái phiếu Mỹ, giá trái phiếu sẽ sụp đổ, khiến lãi suất tăng vọt và làm cho chi phí vay của Mỹ tăng mạnh.
Tuy nhiên, có lý do hợp lý khiến Trung Quốc có thể không bao giờ sử dụng vũ khí này.
Thứ nhất, sẽ không tạo ra hiệu quả như mong muốn. Thứ hai, có thể phản tác dụng, gây hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc. Ông Brad Setser, một thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Đối ngoại, nhận định: “Đó có thể không phải là công cụ hiệu quả nhất”.
Đồng nhân dân tệ và đồng USD tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái trong những ngày gần đây để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ, bắn tín hiệu rằng giảm giá đồng tiền này là dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn có thể đáp trả cho dù Chính quyền Mỹ vẫn giữ kế hoạch tiếp tục đàm phán thương mại trong tháng 9.
Đây là một tình huống dễ bùng nổ, khiến căng thẳng gia tăng. Khi đó, lo ngại về việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu Mỹ bắt đầu xuất hiện.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn làm Mỹ hoảng sợ, nước này có thể giảm giá trị trái phiếu Mỹ bằng cách tung ồ ạt ra thị trường.
Khi đó, lãi suất tăng, giá nợ doanh nghiệp tăng, khoản vay thế chấp tăng, vay mua ô tô tăng, khiến đà tăng trưởng kinh tế bị hãm phanh. Đồng đô la có thể bị tác động.
Theo ông Michale Hirson thuộc Tổ chức Á Âu, trong thực tế, động thái này có rủi ro lớn và không phù hợp với chiến lược hiện nay của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta rõ ràng đang ở trong vòng xoáy leo thang. Nhưng tôi cho rằng động cơ chính của Bắc Kinh hiện giờ trong chiến tranh thương mại là làm sao để có thể chịu đựng áp lực từ Tổng thống Trump”.
Trong trường hợp đó, bán ra trái phiếu Mỹ có thể phản tác dụng. Nếu Bắc Kinh kích hoạt đợt bán ồ ạt trái phiếu Mỹ, những gì nước này còn giữ trong tay cũng sẽ giảm giá trị.
Trung Quốc cần cất giữ trái phiếu Mỹ để bảo vệ tiền tệ của mình. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách khiến đồng nhân dân tệ rớt giá có kiểm soát trong những tháng tới, giúp giảm bớt áp lực lên nền kinh tế mà không khiến nguồn vốn ồ ạt chảy ra ngoài.
Thêm một lý do nữa khiến Trung Quốc không sử dụng vũ khí nghìn tỷ USD là: Bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ ảnh hưởng tới việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu và chứng khoán Trung Quốc.
Ông Hirson nhận định: “Trung Quốc cần nguồn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong chiến tranh thương mại. Nếu Trung Quốc vũ khí hóa trái phiếu Mỹ, đó sẽ là thông điệp rất đáng báo động với nhà đầu tư toàn cầu”.
Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Ảnh: AFP/TTXVN
Về khả năng Mỹ động thái này của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ, ông Setster nhận định: “Ngay lúc động thái bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực lớn tới Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có thể phản ứng”.
Trong báo cáo năm 2012 gửi Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng FED hoàn toàn có thể mua trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc bán tháo ra thị trường đề kiềm chế ảnh hưởng với nền kinh tế.
Ngoài ra, Trung Quốc không có mấy lựa chọn thay thế cho dự trữ ngoại hối. Trái phiếu Đức và Nhật Bản sẽ thường là một lựa chọn, nhưng lại không có lãi cao nhất. Lãi suất 1,63% trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chắc chắn tốt hơn rất nhiều so với lãi suất 0,59% trái phiếu Chính phủ Đức cùng loại.
Do đó, lời đe dọa bán tháo trái phiếu Mỹ vẫn còn để ngỏ. Nhưng với Trung Quốc, lựa chọn này không quá hấp dẫn.
Theo Báo Tin Tức