Khi các bé thiếu nhi được cha mẹ dẫn đi tham gia các chương trình vui Tết Trung thu, đêm hội trăng rằm…, Dương Hoài Nam (sinh năm 1999, sinh viên Trường Đại học An Giang) cũng được tham gia chung, thậm chí trở thành “trung tâm” của chương trình. Bởi, Nam là một ảo thuật gia không chuyên, được mời biểu diễn ảo thuật, tạo hình bong bóng cho các em. Nam kể, bạn tự mày mò, tìm hiểu về ảo thuật và tạo hình bong bóng nghệ thuật từ 3 năm trước, khi mới là sinh viên năm nhất. Dần dần, bạn có thêm thu nhập từ nghề tay trái này. Mùa trung thu năm nay, Nam nhận lời biểu diễn ảo thuật cho các đơn vị, phục vụ thiếu nhi. Ngoài việc nhận được vài trăm ngàn đồng thù lao cho một buổi biểu diễn, Nam còn nhận thêm “món quà” do khán giả của mình mang đến: “Đối tượng trình diễn của tôi là các bé, nên tôi chú trọng diễn những tiết mục đơn giản, theo phong cách hài hước, chọc các em cười. Các em càng vui cười, thích thú vì màn biểu diễn, tôi càng cảm thấy hạnh phúc, vui mừng theo”. Sau buổi diễn, Nam giữ lại cho mình toàn là kỷ niệm đẹp: những ánh mắt trẻ thơ háo hức chờ đợi màn trình diễn, nụ cười và tràng pháo tay rộn rã sau khoảnh khắc vỡ òa vì bất ngờ. Đôi khi là sự… hoang mang, các em không biết vì sao “ảo thuật gia” lại có thể biến hóa thần kỳ như thế!
Trao quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP. Long Xuyên
Đằng sau giây phút tưng bừng, rực rỡ màu sắc của đêm trung thu, là biết bao công sức, tình cảm của người lớn dành cho các em. Tổ chức một chương trình trung thu không khó, không phức tạp, nhưng lại cực kỳ đặc thù. Phải đặt mình vào chính suy nghĩ và cảm xúc của các em, để hiểu các em thích gì, muốn gì, cân đối với nguồn kinh phí trong khả năng cho phép. Cũng như nhiều địa phương, đơn vị khác, UBND xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) tất bật tổ chức đêm hội văn nghệ vui Tết Trung thu cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em tàn tật, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây Lê Thị Kim Ánh chia sẻ: “Hoạt động nhằm tạo sân chơi bổ ích, vui tươi, giúp các em nhớ ngày Tết của chính mình, động viên, khuyến khích các em học tập tốt, chăm ngoan, khỏe mạnh, nên rất cần được tổ chức định kỳ hàng năm. Kinh phí tổ chức đêm hội ở xã khoảng 5 triệu đồng, trong đó hơn 120 thiếu nhi được nhận món quà trị giá 70.000 đồng/em. Nguồn kinh phí của địa phương gặp khó khăn, nên chúng tôi đẩy mạnh vận động xã hội hóa trong các cá nhân, tổ chức. Mỗi khóm được giao chỉ tiêu vận động người dân mức kinh phí 500.000 đồng, phần còn lại chúng tôi vận động thêm từ các nguồn khác. Tuy khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì có dịp chăm lo cho các em thiếu nhi, để tuổi thơ của các em trọn vẹn nhất có thể”.
Có đôi khi, khái niệm “Trung thu” không tồn tại đối với một số trẻ em đặc biệt. Nguyễn Duy Quân (sinh năm 2004, ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chưa từng hiểu, chưa từng biết trung thu là gì, vì em bị bại não từ nhỏ. Không thể đi, không thể nói chuyện, có lẽ trong tâm trí em chỉ là những khoảng trống bất tận. Ông Trần Văn Be (ông nội của Quân) kể: “Cha mẹ Quân chia tay nhau, bỏ 2 đứa con cho vợ chồng tôi nuôi từ lúc 2 tuổi đến giờ. Chị của Quân đáng lẽ học lớp 11, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu người chăm sóc Quân, nên đã quyết định nghỉ học. Căn bệnh khiến Quân không nhận thức được cuộc sống. Điều tiến bộ nhất hiện giờ là khi nghe có người kêu tên, Quân sẽ quay lại. Vẫn nhận biết được âm thanh, tiếng động, nhưng cháu không hề hiểu nội dung. Bởi vậy, cháu chưa từng biết vui chơi trung thu. Ai tặng quà, bánh, cháu đều cầm một lúc rồi… quăng bỏ. Dù vậy, năm nào Quân cũng được chính quyền địa phương quan tâm, đến thăm hỏi, tặng quà trung thu. Nghĩa cử ấy khiến gia đình tôi xúc động lắm!”. Trước đây, ông bà thường mong Quân có thể nói được, hiểu được một chút ít, họ sẽ hạnh phúc biết mấy. Nhưng rồi, căn bệnh vô phương chữa khiến họ đành chấp nhận số phận. Giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi, nhận món quà trung thu thay cho cháu mình, họ lại ước nguyện có được nhiều sức khỏe, thêm chút ít thời gian để chăm sóc đứa cháu tật nguyền. Từ câu chuyện của mình, họ mong rằng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh tương tự, như đã quan tâm đến gia đình họ.
Trăng tháng 8 đã tròn đầy viên mãn trên bầu trời. Đám trẻ con có thể đang vui đùa cùng chiếc lồng đèn nhỏ xinh, có thể chưa biết “Trung thu” thế nào, có thể không còn háo hức với trung thu vì cảm thấy mình đã lớn. Nhưng đối với người trưởng thành, trung thu là một dịp đặc biệt để họ biểu thị tình yêu thương vô bờ bến với trẻ em, với con cháu. Để rồi, họ nhận lại cho bản thân vô vàn điều đặc biệt khó quên, trong veo như mắt cười con trẻ. Thì ra, trung thu đâu chỉ dành riêng cho thiếu nhi!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG