Trường công lập đầu tiên tự chủ kinh phí hoạt động

19/03/2019 - 07:42

 - Trường Mẫu giáo Hướng Dương (TP. Long Xuyên) là một trong những trường đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2018-2019, trường đi đầu trong việc thực hiện thí điểm chuyển đổi loại hình từ đơn vị sự nghiệp công “tự bảo đảm một phần chi thường xuyên” sang “tự bảo đảm chi toàn bộ thường xuyên”. Nhiệm vụ ấy tuy khó khăn, nhưng sẽ là bước tiến lớn trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Thái Thị Hồng Hạnh cho biết: “Trường Mẫu giáo Hướng Dương được chọn thí điểm thực hiện nội dung này do đã đảm bảo các điều kiện cần thiết: có đầy đủ phòng học cho trẻ bán trú, phòng chức năng, khu hiệu bộ, đảm bảo đúng theo quy định đạt chuẩn quốc gia; trang thiết bị dạy và học đầy đủ theo Thông tư số 02/BGDĐT. Đặc biệt, trường có chất lượng giáo dục cao, nhiều năm liền là lá cờ đầu của bậc học mầm non”.

Bình quân, trường có 480 học sinh bán trú (chia thành 12 lớp); 44 nhân sự gồm: biên chế, hợp đồng lao động, hợp đồng khoán việc. Thuộc địa bàn trung tâm thành phố, đa số học sinh là con của cán bộ, công nhân viên; đội ngũ giáo viên kinh nghiệm lâu năm, với bề dày thành tích của tập thể nhà trường… là thuận lợi rất lớn để trường thu hút học sinh. UBND TP. Long Xuyên đã đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo trường đợt 1 với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Năm 2019, địa phương tiếp tục đầu tư đợt 2 để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, xây nhà vệ sinh trong lớp, cải tạo mái tole, nâng nền lát gạch, tổng kinh phí gần 2,7 tỷ đồng.

Các hoạt động giáo dục trong nhà trường

Theo Đề án chuyển đổi, trường thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn tài chính của đơn vị sẽ là nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định (phần được để lại chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí); nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có); nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên (nếu có); nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật. Đối với chi thường xuyên, đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Nghị định 16. Đối với chi nhiệm vụ không thường xuyên, đơn vị chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí quy định.

Năm học 2018-2019, để chuyển đổi tự đảm bảo chi toàn bộ thường xuyên, nhà trường tăng thu học phí từ 200.000 đồng lên 990.000 đồng/học sinh; tiền ăn bán trú 820.000 đồng/học sinh. Điều này tạo ra khó khăn lớn nhất cho trường trong quá trình thực hiện. “Cuối năm học trước, chúng tôi mời phụ huynh học sinh để thông báo, tuyên truyền, phổ biến cho họ nắm sự thay đổi về chi phí trong năm học kế tiếp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bỡ ngỡ và chưa đồng thuận với mức phí mới, nên đã chuyển con em sang trường khác. Hiện nay, trường đang mở 6 lớp học, với 200 học sinh. Chúng tôi kỳ vọng, năm học 2019-2020, mọi việc sẽ khả quan hơn, phụ huynh học sinh yên tâm gửi con vào trường học đông hơn. Về phía nhà trường, chúng tôi tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất để học sinh được chăm sóc, dạy dỗ đầy đủ. Trên cơ sở các chủ đề giáo dục chung, mỗi giáo viên cần đổi mới tư duy trong quá trình soạn giáo án, trong việc tổ chức các hoạt động trong lớp và ngoài trời cho trẻ. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, mỗi giáo viên cần phải tăng cường sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó để xây dựng lòng tin cho phụ huynh. Để giúp giáo viên ổn định tâm lý, trường đã có nhiều cuộc họp nhằm động viên, nhắc nhở cùng cố gắng, góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu của trường” - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hướng Dương Phạm Thị Ngọc Hiệp chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú bày tỏ: “Việc thực hiện thí điểm chuyển đổi này góp phần làm giảm áp lực ngân sách nhà nước. Nhưng quan trọng nhất, qua đó sẽ nâng cao tính năng động, đổi mới trong cách giáo dục của trường công lập. Nhà trường sẽ phát huy hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả giáo dục, tìm tòi hoạt động và phương pháp mới, để thu hút ngày càng đông học sinh. Từ đó, học sinh sẽ được chăm lo tốt nhất về kiến thức trong nhà trường và ngoài xã hội, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống. Cuối năm học 2018-2019, địa phương sẽ sơ kết hiệu quả thực hiện đề án, đánh giá rút kinh nghiệm. Những năm tiếp theo, dự kiến UBND TP. Long Xuyên tiếp tục mở rộng áp dụng ở nhiều trường thuộc bậc mầm non và THCS, theo lộ trình đã xây dựng. Trước khi áp dụng, chúng tôi chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết cho nhà trường”.

GIA KHÁNH