Trường tồn chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

18/11/2022 - 16:32

Đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược lâu dài, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng chính là nội dung các thế lực thù địch, phản động luôn tìm đủ mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt hòng chia rẽ, chống phá. Bởi thế, chúng ta cần nhận diện đúng âm mưu phá hoại của chúng để cảnh giác, có giải pháp đấu tranh hiệu quả.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin có nội dung quan điểm sai trái, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, tạo nên sự mơ hồ, hoài nghi, gây chia rẽ trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân; tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trên một số trang mạng, núp bóng danh nghĩa “đấu tranh vì dân chủ”, một số cá nhân, tổ chức phát tán bài viết xuyên tạc, bác bỏ, cố tình phủ nhận những thực tế về dân chủ, nhân quyền và những thành quả về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giảm nghèo của Đảng và nhà nước Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân để kích động chống đối, hình thành những điểm nóng gây chia rẽ từ bên trong.

Lợi dụng hội nhập quốc tế để truyền bá và làm “biến dạng” các giá trị văn hóa truyền thống; xuyên tạc công cuộc chống tham nhũng thành “đấu đá phe cánh, nội bộ”, “chính trị hóa” các vụ án, vụ việc sai phạm trong kinh tế; lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các nhà tự xưng là “dân chủ” vịn cớ “bảo vệ nhân quyền” tạo ra nhiều “chiêu trò”, xuyên tạc, bóp méo sự thật về kết quả phòng, chống dịch, đẩy mạnh chống phá Đảng và nhà nước; họ dàn dựng các “kịch bản” tuyên truyền, xuyên tạc một cách công phu, tỉ mỉ, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm đánh lạc hướng dư luận… với mục tiêu chỉ có một: Kích động, chia rẽ đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân; giữa các dân tộc, tôn giáo và giữa cộng đồng trong nước với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Với vùng có đông đồng bào có đạo, lợi dụng đức tin của bà con giáo dân, một số kẻ lợi dụng vừa rao giảng đạo lý, vừa xuyên tạc các vấn đề chính trị diễn ra trong đời sống xã hội, như: Tình hình Biển Đông, việc tranh chấp khiếu nại trong đền bù, giải tỏa đất đai ở một số nơi… nhằm làm lu mờ đường hướng sống “tốt đời, đẹp đạo”, tạo ra “bức tranh tối” trong xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để dễ bề kích động, chống phá.

Nhận diện và đấu tranh bác bỏ các quan điểm, luận điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu dân chủ, nhân quyền và thành quả của khối đại đoàn kết dân tộc mà chúng ta đã đạt được là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay; góp phần giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nâng cao hiệu quả đấu tranh

Dù những kẻ xấu, cơ hội chính trị có “áp đặt, vu cáo” đến đâu thì chúng cũng không thể phủ nhận thực tế, Việt Nam là một nước luôn tôn trọng và phát huy “dân chủ”, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của con người. Điều này được thể hiện trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước và thực tiễn hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Khi đại dịch COVID -19 xảy ra, lây lan, bùng phát trên diện rộng, Đảng, nhà nước, MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu gọi, tuyên truyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần "Tương thân tương ái" trong nhân dân, góp công sức, tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh phí của Chính phủ mua vaccine phòng dịch, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, được cộng đồng quốc tế thừa nhận và ca ngợi. Trong hoàn cảnh này, chúng ta được thấy một Việt Nam quả cảm, phát huy sức mạnh tổng hợp bằng những hành động, việc làm thiết thực, có nghĩa có tình. Kết quả đó là tinh thần đoàn kết của cả dân tộc.

Bên cạnh đó, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật. Vì đây là một trong những quyền cơ bản của công dân, được khẳng định trên nguyên tắc hiến định.

Việt Nam có chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái pháp luật, chính sách của nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo... Điều đó đã quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta.

Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn. Những năm gần đây, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào tôn giáo đã trở thành điểm sáng về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID -19, các tôn giáo đồng hành với chính quyền, ủng hộ kinh phí hàng trăm tỷ đồng; nhiều cơ sở thờ tự trở thành điểm cách ly tập trung chăm sóc bệnh nhân...

Cùng với phát huy dân chủ XHCN, việc giải quyết các bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân, chính sách xã hội, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng, nhà nước quan tâm thực hiện tốt. Nhìn lại 35 năm đổi mới, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin, đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền. Có được những kết quả tích cực đó là nhờ truyền thống đoàn kết trường tồn của dân tộc.

  H.C