Đào tạo đa dạng
Với những học sinh gia đình khó khăn hoặc không có học lực khá, giỏi, sau khi tốt nghiệp THCS, việc lựa chọn học tiếp THPT để vào đại học là ít khả thi, tốn kém và mất nhiều thời gian. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh ở huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên đã chuyển hướng cho con vào Trường Trung cấp Nghề DTNT An Giang để học song song 2 chương trình (học văn hóa THPT kết hợp học nghề).
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề DTNT An Giang Cao Văn Thích cho biết, năm học 2021-2022, đối với đào tạo THPT hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), trường huy động 417 học sinh với 14 lớp, cùng 22 học sinh tham gia học hòa nhập. Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 92%. Đối với đào tạo nghề trung cấp, có 447 học sinh đăng ký học 8 nghề, đạt 102% chỉ tiêu.
Trường còn liên kết với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức lớp đại học từ xa ngành luật với 70 sinh viên, ngành kế toán (16 sinh viên); liên kết Trường Đại học Trà Vinh mở lớp đại học từ xa ngành luật (30 sinh viên), đại học văn bằng 2 ngôn ngữ Khmer (20 sinh viên). Trường phối hợp Trường Cao đẳng Việt Mỹ đào tạo lớp điều dưỡng cho 29 sinh viên; phối hợp Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông vận tải An Giang, Trung tâm Đào tạo lái xe Đồng Bằng mở các lớp lái xe ô tô hạng B2, C cho 41 học viên…
Không chỉ đào tạo đa dạng các ngành nghề, tập thể nhà trường còn đạt giải I toàn đoàn Hội giảng cấp tỉnh năm 2022; giải khuyến khích toàn đoàn Hội thi thiết bị đào tạo cấp tỉnh năm 2022. Về cá nhân, đạt 1 giải nhất, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích Hội giảng cấp tỉnh năm 2022; 1 giải khuyến khích Hội thi thiết bị đào tạo cấp tỉnh năm 2022.
Năm học 2022-2023, đối với hệ GDTX, trường huy động được 551 học sinh với 15 lớp, trong đó có 137 em dân tộc thiểu số Khmer, 83 học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đối với giáo dục nghề nghiệp hệ trung cấp, năm 2022, trường thông báo tuyển sinh 16 nghề (tăng 4 nghề so với năm 2021) với chỉ tiêu 400 học sinh. Đến tháng 10/2022, có 826 học sinh đăng ký học 10 nghề, đạt 206,2% chỉ tiêu. Đối với nghề sơ cấp, có 60 học viên; dạy nghề lao động nông thôn, có 120 học viên, đạt 100% chỉ tiêu.
Đáp ứng nhu cầu xã hội
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề DTNT An Giang Cao Văn Thích cho biết, để đáp ứng nhu cầu xã hội, trường tăng cường liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nghề cho học sinh. Năm 2021, trường đã tổ chức 5 đợt cho học sinh thực tập tốt nghiệp với tổng số 50 học sinh; 9 tháng của năm 2022, đã tổ chức 6 đợt thực tập với 70 học sinh.
“Nhà trường đã gặp gỡ, trao đổi và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều DN về nội dung chương trình đào tạo, hỗ trợ học sinh thực tập và làm việc tại DN. Chính nhờ mối liên kết này, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, DN không cần phải tổ chức đào tạo lại, tỷ lệ học sinh ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo tương đối cao (trung bình 80%)” - thầy Thích nhấn mạnh.
Trường còn phối hợp Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Truyền thông quốc tế (thuộc Tập đoàn Sao Mai) giới thiệu cho 11 học sinh xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản (có 5 học sinh đang làm việc tại Nhật; 6 học sinh vừa tốt nghiệp THPT năm 2022, đang học tiếng Nhật để chuẩn bị xuất khẩu lao động).
“Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu, trường xây dựng 16 nghề đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó có một số nghề đang có xu hướng tăng cao về nhu cầu lao động, như: Công nghệ ôtô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cơ điện, thương mại điện tử, hướng dẫn du lịch…” - thầy Thích thông tin.
Giai đoạn 2015-2020, Trường Trung cấp nghề DTNT An Giang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đầu tư 1 nghề trọng điểm cấp quốc gia (cơ điện nông thôn), một số thiết bị trị giá trên 19 tỷ đồng. Hiện tại, trường có đầy đủ cơ sở vật chất về phòng học, nhà xưởng, ký túc xá và sân bãi phục vụ các hoạt động ngoài trời cho học sinh sau giờ học.
Hàng năm, Trường Trung cấp Nghề DTNT An Giang đều tổ chức các ngày hội tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh cuối cấp THCS trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn... thu hút nhiều DN, học sinh, phụ huynh tham gia. Nhờ vậy, tỷ lệ tuyển sinh vào trường trong 3 năm qua luôn vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao (năm 2020 đạt 157,5%; năm 2021 đạt 102%; năm 2022 đạt 206,25%). Nếu các huyện tiếp tục làm tốt chủ trương của UBND tỉnh về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS thì trường càng thu hút đông đảo học sinh hơn. |
NGÔ CHUẨN