Hiệu trưởng Trường THCS Tà Đảnh Nguyễn Nhân Hậu cho hay: “Đối với vùng nông thôn biên giới, việc được đầu tư xây dựng một ngôi trường khang trang trên diện tích đất hơn 8.500m2, với 18 phòng học, nhiều phòng bộ môn, chức năng, có sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu của 800 học sinh là điều mơ ước của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh của trường. Chính trong điều kiện mới đã tạo môi trường giảng dạy và học tập thật tốt cho giáo viên và học sinh. Một lợi thế đáng tự hào góp phần giúp trường sớm đạt chuẩn quốc gia chính là “nội lực vững mạnh” của đội ngũ giáo viên đạt chuẩn của trường.
Lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý nhân viên trường được trang bị tư tưởng vững vàng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, luôn duy trì ở nhóm 1 các trường THCS đạt chất lượng của huyện. Việc giáo dục đạo đức học sinh đi vào nền nếp, mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh và nhà trường ngày càng gắn kết, nhiều cảnh quan sư phạm mới được xây dựng… đã góp phần thu hút học sinh đến trường nhiều hơn”.
Trường vừa nhận bằng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Nhân Hậu vẫn mang nhiều nỗi băn khoăn cho chặng đường nâng chất danh hiệu chuẩn quốc gia trong giai đoạn sắp tới. Bởi đây là ngôi trường ở địa bàn giáp ranh nhiều xã như: Vĩnh An (Châu Thành), Núi Tô, Tân Tuyến (Tri Tôn), Tân Lập (Tịnh Biên) nên việc huy động học sinh đến lớp, vận động học sinh bỏ học quay lại lớp không phải là chuyện dễ, do các em phần nhiều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên theo cha mẹ đi làm ăn xa. Công tác phổ cập học sinh THCS trong độ tuổi từ 15-18 tuổi cũng chỉ đạt 90,83%. “Trong nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực vượt khó, đoàn kết của tập thể giáo viên nhà trường, tôi tin các bài toán sẽ dần có đáp án” - thầy Hậu quyết tâm.
Thầy Hậu chia sẻ thêm: “Ngay từ năm học này trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học, có giải pháp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh giỏi của trường. Cùng với đó là đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài; thay đổi phương pháp và hình thức dạy học tích cực và kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; tăng cường các điều kiện đảm bảo và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường quản lý các hoạt động chuyên môn trên trang mạng “trường học kết nối”. Hoạt động hướng nghiệp được đổi mới với sự tham gia của các cơ sở dạy nghề trong huyện. Nhà trường thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, nhu cầu của thị trường lao động để điều chỉnh hoạt động hướng nghiệp phù hợp”.
Bên cạnh giáo dục kiến thức, nhà trường sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cho học sinh bằng các hoạt động ngoại khóa phù hợp như: giáo dục học sinh khắc phục tình trạng bạo lực học đường và các hiện tượng tiêu cực khác; tạo điều kiện cho học sinh trang bị kỹ năng sống, giá trị sống, xây dựng môi trường giáo dục an toàn; phối hợp đoàn thanh niên địa phương xây dựng nhiều phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để học sinh có điều kiện phát triển thể chất, tinh thần ngày càng toàn diện hơn.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG