Truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

11/05/2020 - 06:39

 - Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBQG ngày 22-6-2019 của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam về việc phê duyệt Kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh An Giang xây dựng, triển khai Kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu nội dung truyền thông cần phản ánh đúng vai trò, sự đóng góp và tham gia của nam giới và nữ giới trong quản lý, lãnh đạo. Không truyền tải nội dung, hình ảnh mang tính định kiến giới, phân biệt đối xử về giới. Hình thức truyền thông cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn dân cư. Khuyến khích huy động mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Đảm bảo thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện. Khuyến khích, tạo điều kiện huy động các bên tham gia và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động của kế hoạch, tăng cường lồng ghép thực hiện trong các chương trình, kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tập trung triển khai thực hiện từ tháng 7-2020 đến khi kết thúc kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tập trung vào các đối tượng truyền thông: lãnh đạo và cán bộ các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí truyền thông, phát thanh và truyền hình của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; các tầng lớp người dân, trong đó chú trọng đến đối tượng nam giới và cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp đều tăng so nhiệm kỳ trước

Nội dung các hoạt động truyền thông, gồm: biên soạn, phát hành các tài liệu và sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (biên soạn, tái bản ấn phẩm tuyên truyền về kết quả, thành tựu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, về vai trò, vị trí và sự đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực. Nhân bản và in ấn các các sản phẩm tranh cổ động, pa-nô, áp-phích, sản phẩm truyền thông gắn với bộ thông điệp truyền thông bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Trong đó, lưu ý có các sản phẩm truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Cung cấp kịp thời các tài liệu nguồn về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, ấn phẩm truyền thông, sản phẩm truyền thông để tuyên truyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị thông qua các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn của sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan và các hoạt động tại cộng đồng... Sản phẩm truyền thông có thể bao gồm sản phẩm được sử dụng làm quà tặng như: sổ tay, viết, đồ lưu niệm, trang phục cổ động... và các sản phẩm tiện ích khác đi kèm thông điệp truyền thông bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Đặc biệt, nâng cao kỹ năng cho mạng lưới cán bộ và đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và cộng tác viên của các cơ quan truyền thông ở cấp tỉnh và các địa phương về tuyên truyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Bởi, việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ này (những người trực tiếp làm công tác truyền thông, báo chí) sẽ góp phần quan trọng trong việc truyền thông về các chủ trương, chính sách nói chung, trong đó có nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Phối hợp các cơ quan truyền thông, các cơ quan liên quan đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Đưa thông điệp bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị vào các sản phẩm truyền thông, kênh và các phương tiện truyền thông phù hợp, sáng tạo và hiệu quả…

Năm 2019, Đảng - Đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch tạo nguồn cán bộ chủ chốt giai đoạn 2015-2020, 2016-2021; đối với chức danh Chủ tịch Hội LHPN tỉnh bổ sung quy hoạch 3 đồng chí; đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh bổ sung quy hoạch 5 đồng chí.

Nhìn chung, công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chú trọng hơn từ khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bố trí, đề bạt cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị, nhất là cấp trưởng, phó phòng khá đông đảo và có triển vọng phát triển tốt. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

HỮU HUYNH