Nhiều thủ đoạn kinh doanh trái phép
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023, quá trình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 5% so năm 2022); thu nộp ngân sách Nhà nước gần 14.900 tỷ đồng (tăng 17,3%); khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng (giảm 4% về số vụ và tăng 0,6% về số đối tượng).
Chánh Văn phòng Thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải thông tin: “Về thủ đoạn, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa. Tại nội địa, đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến… kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
An Giang họp trực tuyến tổng kết công tác chống buôn lậu với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia
Trong đó, đối tượng tập trung mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát tại tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang… An Giang cũng là địa bàn “nóng” về mua bán, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới (cùng với tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An…); khai thác, mua bán, buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản (cùng với TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang…). Phương thức, thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi, diễn biến nhanh, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động. Tất cả nhắm đến mục tiêu lợi nhuận “khủng”, thao túng thị trường hàng hóa từ biên giới đến nội địa.
Nhức nhối “trận địa” kinh doanh online
Kinh doanh online trở thành xu hướng tất yếu, khi thương mại điện tử và mạng xã hội lên ngôi. Không tốn chi phí thuê mặt bằng, nhân viên; không bị ràng buộc bởi những quy định liên quan của pháp luật kinh doanh; tiếp cận khách hàng vượt không gian địa lý, thời gian nhanh chóng… là ưu điểm nổi bật của phương pháp kinh doanh này.
Năm 2022, số lượng người Việt Nam mua hàng trực tuyến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so năm trước. Dự báo, giai đoạn từ năm 2022 - 2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 10% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đến năm 2040, khoảng 95% giao dịch mua sắm dự kiến sẽ thông qua thương mại điện tử.
Theo một nghiên cứu, 81% người Việt Nam xem việc mua sắm trực tuyến là thói quen không thể thiếu mỗi ngày; tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần/tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, 85% người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát; 66% người tiêu dùng tìm kiếm ưu đãi tốt nhất khi mua sắm, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua hàng (bất kể có giảm giá hay không) trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh băn khoăn: “Hiện giờ, hàng triệu người kinh doanh trên mạng xã hội. Có khi địa chỉ tài khoản mạng xã hội của họ ở chỗ này, nhưng kho hàng hóa ở nơi khác. Điều này gây áp lực lên công tác tính thuế kinh doanh online thế nào để chặt chẽ, hiệu quả. Quản lý thị trường truyền thống đã khó, quản lý thị trường phi truyền thống càng khó hơn. Thiết nghĩ, phương thức kinh doanh thay đổi thì lực lượng chức năng cũng phải thay đổi tương ứng. Theo tôi, cần khai thác tốt Cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh người bán hàng online để có cách quản lý chặt chẽ, phù hợp. Mặt khác, địa phương cần nắm rõ kho hàng, bến bãi hiện có trên địa bàn, phối hợp các lực lượng chức năng giám sát, quản lý từ gốc”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị: “Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các tỉnh, thành phố rà soát, điều chỉnh lại thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đổi mới phương pháp, cách làm hiệu quả hơn trong quá trình phòng, chống tội phạm lĩnh vực này. Cần phối hợp tốt các lực lượng chức năng, không “quyền anh quyền tôi”. Cùng với đó, phải có cách tiếp cận mới, đổi cách nghĩ, cách làm, tăng quyết tâm và “biết giữ mình” trước cám dỗ lớn”
|
GIA KHÁNH