Ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài kêu gọi “sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu Quốc. Người viết: “Hỡi đồng bào yêu quý. Từ tháng giêng đến tháng 7 năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có 2 triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, Nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.
Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào”.
Lời kêu gọi của Bác Hồ vừa phát đi nhanh chóng được Nhân dân khắp nơi hưởng ứng và làm theo. Tại buổi khai mạc, cuộc lạc quyên tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, Người đem phần gạo nhịn ăn của mình quyên góp trước tiên và người dân làm theo. Sau đó, mỗi tuần, Nhân dân cả nước quyên được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói vận động tổ chức lạc quyên, tổ chức “Ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “Hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn tại nhiều địa phương. Những hiện vật “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo tiết kiệm” hiện còn được trưng bày ở nhiều bảo tàng, như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ... Từ hũ gạo cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, sau đó, phong trào tiết kiệm gạo, như: “Hũ gạo nuôi quân”; “Hũ gạo Bác Hồ”... tiếp tục được phát động và phát triển rộng khắp.
Cùng với lạc quyên cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất. Bản thân Bác Hồ cùng các vị bộ trưởng và nhân viên chính phủ trực tiếp tham gia sản xuất sau giờ làm việc và việc này còn lưu lại nhiều hình ảnh. Chỉ trong thời gian ngắn, lời kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cùng phong trào tăng gia sản xuất đã giải quyết cơ bản nạn đói trong năm 1944 - 1945. Kết quả sản lượng hoa màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Từ tháng 11/1945 - 5/1946 đạt 614.000 tấn, quy ra thóc là 506.000 tấn, có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Người dân không đói, giá thóc gạo giảm xuống. Giặc đói đã bị đẩy lùi.
Đặc biệt, dưới sự chỉ dẫn cụ thể và tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào “nhường cơm sẻ áo”, thi đua yêu nước lan rộng từ hậu phương đến tiền tuyến, từ nhà máy, công trường đến xưởng thợ, trường học, khắp nơi “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua...”.
Theo số liệu tổng kết của các nhà nghiên cứu, từ năm 1945 - 1965, đã có trên 30 phong trào thi đua của toàn dân và của riêng các lực lượng, các ngành, các giới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiêu biểu là các phong trào: Hũ gạo cứu đói (năm 1945); tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm (năm 1945 - 1952); vững tay cày, chắc tay súng (năm 1961); cuộc vận động 3 xây, 3 chống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (năm 1963); phong trào phụ nữ 5 tốt (năm 1964); phong trào “Ba đảm đang” (năm 1965); thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng”; phong trào toàn miền Bắc với phương châm: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt, tất cả chi viện cho miền Nam”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… (bắt đầu từ 1964).
Trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, cùng với công tác chống dịch đêm ngày, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan, trong đó, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là đối với người nghèo, đối tượng yếu thế. Từ đây, phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo nuôi quân” của Bác Hồ nhiều năm trước được các thế hệ ngày nay tiếp nối bằng những cây “ATM gạo”. Sáng kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm tự nguyện chở gạo góp vào các cây “ATM gạo”, phân phát cho người nghèo và nguồn gạo ngày càng dồi dào. Tinh thần thiện nguyện này đã giúp nhiều người khó khăn có gạo ăn chống dịch, vượt qua cơn dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, với tinh thần tự nguyện, phong trào này lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thêm một lần, truyền thống ”Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” tốt đẹp tự bao đời của dân tộc Việt Nam lại được nhân lên. Chính phủ có nghị quyết về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người dân, đủ thành phần, đối tượng. Không chỉ có vậy, Chính phủ còn có nhiều chính sách, biện pháp cụ thể, như hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng và cho vay với giá ưu đãi bằng gói hỗ trợ gần 300.000 tỷ đồng… Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch COVID-19”, triệu triệu người chung tay ủng hộ đến hàng ngàn tỷ đồng.
N.R