Từ phần đất cầm cố sang chuyển nhượng?

29/08/2019 - 07:55

 - Vợ chồng ông Trần Văn Lợi, bà Phan Thị Dung (ngụ tổ 4, ấp Hòa Thới, xã Định Thành, Thoại Sơn) khẳng định: lúc gia đình gặp khó khăn, họ cầm cố đất, người nhận tài sản hứa cho chuộc lại khi có tiền. Sau đó, đất bị bán cho người khác, tạo thành một câu chuyện rắc rối về sau.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, vợ chồng ông Trần Văn Lợi, bà Phan Thị Dung trình bày: năm 1986, họ mua 1 công đất tầm cắt (gần 1.300m2) của bà Nguyễn Thị Bê với giá 1 chỉ vàng 24K. Đất này gần cầu kênh H, cặp Tỉnh lộ 943. Mua đất xong, họ cất nhà ở cùng 8 con trai và 1 con gái, nhưng chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến cuối năm 1992, bà Dung bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử phạt tù, hoàn cảnh gia đình bắt đầu khó khăn. Thời gian này, ông Trần Văn Lợi cầm cố đất đang ở cho gia đình bà Âu Thị Ánh Nguyệt (cùng địa phương), nhận 3,5 chỉ vàng 24K. Việc cầm cố này không có văn bản hay hợp đồng, nhưng bà Nguyệt nói “khi nào lo được tiền sẽ cho chuộc lại”. “Có số vàng và được bà Nguyệt hứa, tôi về nhà trả nợ, điều trị bệnh và lo việc ăn học của các con. Khi nhận số vàng cầm cố, tôi hứa miệng do không biết chữ. Nhưng sau đó, có nhiều lần người ta đưa giấy tờ viết sẵn yêu cầu tôi ký, tôi đã gạch thập mà không biết nội dung gì” - ông Lợi cho biết.

Bà Phan Thị Dung trình bày về sự việc

Bà Phan Thị Dung bổ sung: “Khi ra tù năm 1994, nghe gia đình cầm cố đất, tôi đến gặp bà Nguyệt để tìm hiểu thực hư. Lúc này, bà Nguyệt nói: khi gia đình lo được tiền, bà sẵn sàng cho chuộc lại đất. Tuy nhiên, năm 1998, khi lo được tiền, chúng tôi đến gặp bà Nguyệt xin chuộc đất, bà nói đã sang nhượng cho người khác. Đặc biệt, đất này người mua đã làm GCNQSDĐ. Vợ chồng tôi tiếp tục năn nỉ không được, nên khiếu nại đến Ban Nhân dân ấp, UBND xã Định Thành và nhiều nơi, nhưng không được xem xét, giải quyết. Đến ngày 4-9-2015, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thoại Sơn mời vợ chồng tôi dự phiên tòa dân sự sơ thẩm “Tranh chấp về đòi tài sản - quyền sử dụng đất” với tư cách bị đơn. Tại phiên xử này, ý kiến của chúng tôi không được ghi nhận, xem xét. Tôi khẳng định, đất của vợ chồng tôi cùng 9 người con không ai ký sang nhượng, sao lại được cấp GCNQSDĐ? Đến ngày 21-6-2016, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thoại Sơn buộc gia đình tôi giao lại nhà đất. Vợ chồng tôi không chấp hành, khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Cơ quan chức năng nói bản án có hiệu lực pháp luật, buộc phải thi hành theo quy định. Năm 2018 và 2019, tôi nhiều lần xin gặp lãnh đạo UBND huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, tỉnh cứu xét, nhưng không được xem xét giải quyết. Tôi kiến nghị xem xét lại giấy tờ, chứng cứ nguyên đơn tự tạo vừa qua, để có bản án số 57/2015/DS-ST ngày 4-9-2015 của TAND huyện Thoại Sơn. Gia đình tôi cương quyết không trả lại đất cầm cố, đồng ý thanh toán lại số vàng, tiền tương ứng. Rất nhiều con, cháu tôi không có đất, đang làm mướn nuôi thân ở nhiều nơi, xin giữ lại đất này để chia nhau cất nhà ở, mưu sinh”.

UBND xã Định Thành cho biết: “Vụ tranh chấp có từ rất lâu. Địa phương đã tổ chức nhiều cuộc vận động, hòa giải và TAND huyện đã phân xử nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Chúng tôi xác định địa phương thực hiện các bước theo lộ trình, tham mưu UBND huyện cấp GCNQSDĐ đúng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ việc, nhất là thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, chúng tôi phối hợp tích cực về mặt nhân sự và vật chất. Ngoài việc phía gia đình sang nhượng đất hỗ trợ 30 triệu đồng để ông Lợi và bà Dung di dời nhà, UBND xã tham mưu UBND huyện cấp 1 nền trả chậm (giá ưu đãi) có căn nhà cất sẵn tại khu dân cư Bắc Sơn (thị trấn Núi Sập) nằm liền kề lộ lớn đường tránh của huyện. Vụ việc hiện được ngành chức năng, UBND huyện tổ chức vận động, thực hiện việc thi hành bản án theo quy định, nhưng gia đình ông Lợi, bà Dung vẫn chưa chấp hành”.

Luật sư Phan Văn Được, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, cho biết: “Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2013 và pháp luật liên quan quy định: việc chuyển nhượng QSDĐ thực hiện thông qua hợp đồng, lập văn bản tại UBND địa phương hoặc có công chứng, chứng thực và người thực hiện làm nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước theo quy định. Việc gia đình nói “phần đất bị mất do cấp GCNQSDĐ, không nhận được kết quả của phiên tòa, các thông báo, văn bản tống đạt thực hiện các nội dung…” phải có chứng cứ, cơ sở để chứng minh và có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Bản án số 57/2015/DS-ST ngày 4-9-2015 của TAND huyện Thoại Sơn đã có hiệu lực pháp luật, buộc gia đình ông Lợi, bà Dung phải thực hiện theo quy định”.

Bài, ảnh: N.R