Những hình ảnh quan sát mới nhất từ Đài Thiên văn European Southern (ESO, đặt tại Chile) đã hiển thị những chi tiết chưa từng thấy về Betelgeuse, một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.
Hình ảnh quan sát cho thấy nó đã mờ đi rất rõ ràng, như bị biến dạng. Hiện nay, độ sáng của nó chỉ còn 36% so với độ sáng thông thường trong vài tháng qua. Đó là dấu hiệu phổ biến cho thấy ngôi sao đó sắp nổ tung.
Ảnh đồ họa cho thấy ngôi sao đỏ khổng lồ khi phát nổ được so sánh với các thiên thể trong Hệ Mặt trời - chỉ như những chấm nhỏ - ảnh đồ họa từ ESO
Betelgeuse (Alpha Orionis) là ngôi sao sáng thứ 12 trên bầu trời đêu và sáng nhất trong chòm Lạp Hộ (Orion), chỉ sau ngôi sao Rigel (Beta Orionis). Ước tính độ lớn của nó là khoảng 1.400 lần mặt trời của chúng ta. Nếu đặt nó ở trung tâm của Hệ Mặt Trời, nó sẽ lớn đến nổi chứa toàn bộ Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa và có thể chạm tới quỹ đạo của Sao Mộc. Betelgeuse cách chúng ta khoảng 640-700 năm ánh sáng.
Theo nhà thiên văn học Edward Guinan từ Đại học Villanova (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, ngôi sao đang trong giai đoạn co lại khi gần hết tuổi thọ, sau đó sụp đổ và tỏa sáng lần cuối trong hình dạng một siêu tân tinh tàn khốc. Siêu tân tinh là cách gọi vụ nổ khổng lồ khi một ngôi sao chết đi.
Những hình ảnh mới nhất về bề mặt của ngôi sao đỏ khổng lồ này cho thấy nó không chỉ mờ mà còn biến dạng nghiêm trọng so với 11 tháng trước đó, cho thấy cái chết đã rất gần. Nếu nó nổ trong đêm, từ trái đất con người và muôn loài sẽ thấy bầu trời rực rỡ như ban ngày, hoặc ít nhất sáng như có trăng tròn.
Tuy nhiên, tuổi thọ của một thiên thể luôn là con số rất lớn, vì vậy dù đã ở đoạn cuối của sự hấp hối, nó cũng chỉ nổ trong khoảng… 100.000 năm nữa.
Theo A. THƯ (Người lao động)