Xuất khẩu lao động không chỉ tạo ra sự dịch chuyển trong lựa chọn của học sinh hiện nay, mà còn làm thay đổi nhận thức của phụ huynh. Bà Phan Thị Út (thị trấn Chợ Vàm) cho biết, gia đình khó khăn, chồng mất sớm, bà đã cố lo cho con gái lớn học xong THPT rồi đi xuất khẩu lao động để có cuộc sống ổn định. Bà Út chia sẻ: “Đợt đầu tiên, Tú Anh (con bà Út) làm ở Hàn Quốc 5 năm, thích nghi với môi trường khá tốt. Nhờ đồng lương con tích góp gửi về, gia đình đỡ khó khăn hơn. Sau khi trở về, Tú Anh lại tiếp tục đi xuất khẩu lao động được gần 1 năm nay”. Tại thị trấn Chợ Vàm, số lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động không ngừng tăng. Đây là địa phương tiêu biểu trong huyện thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động có nhu cầu làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Vàm Nguyễn Văn Tùng, năm 2018, thị trấn có 2 trường hợp đi xuất khẩu lao động, đến nay có đến 10 lao động đăng ký làm việc tại Nhật Bản và Đài Loan, đạt 100% chỉ tiêu huyện giao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trương Thanh Nhàn cho biết, thực hiện theo đề án giải quyết việc làm của tỉnh, huyện đã đưa đi xuất khẩu lao động 11 người ở thị trường Nhật Bản và đang chuẩn bị có 49 em tiếp tục đi làm việc. Để nâng cao nhận thức của thanh niên, các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều đổi mới, sáng tạo. Mới đây, UBND huyện Phú Tân tổ chức buổi tọa đàm dành cho sinh viên, học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và phụ huynh, ban, ngành, đoàn thể cùng tham dự. “Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng với mong muốn truyền tải thông điệp đến cho tất cả học sinh khối lớp 12 trên địa bàn huyện hiểu về ý nghĩa của công tác xuất khẩu lao động. Trong môi trường làm việc này, các em sẽ được trui rèn về ngoại ngữ, học tập được tác phong lao động trong môi trường chuyên nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, các em sẽ có trình độ, kiến thức, kỹ năng, tham gia lao động trong nước sẽ đạt hiệu quả cao” - ông Nhàn nhấn mạnh.
Đối thoại giữa các diễn giả với sinh viên, học sinh.
Nhiều ý kiến được học sinh đặt ra rất thiết thực, các em đã không còn suy nghĩ đại học là con đường duy nhất, mà chuyển sang chọn học nghề đi làm việc ở nước ngoài. Em Lê Chí Khang (học sinh Trường THCS và THPT Phú Tân) chia sẻ, qua buổi tư vấn em biết được những chính sách ưu đãi của nhà nước, thông tin về thị trường lao động Nhật Bản. Khang cho biết, đây sẽ là lựa chọn mà em mong muốn được thử sức sau khi tốt nghiệp THPT, được làm việc trong môi trường hiện đại, mang lại thu nhập cao, đồng thời rèn tay nghề chuyên nghiệp để bản thân có nhiều cơ hội làm việc tốt hơn sau này. Còn em Nguyễn Tuấn Anh (học sinh Trường THPT Hòa Lạc) cho hay, từ trước đến nay, khi nghe xuất khẩu lao động, em chưa hình dung rõ cụ thể về tiền lương, vay vốn, ưu đãi, chỗ ở, giao tiếp văn hóa… qua buổi tọa đàm em đã được giải tỏa hầu hết thắc mắc.
Khi quan niệm về xuất khẩu lao động còn bị đánh đồng với học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề hoặc học dở mới đi làm sớm… thì rất cần sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh và học sinh. Với mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng, sau thời gian hợp đồng, người đi làm sẽ có số vốn làm ăn sau này. Hơn nữa, không phải chỉ lao động phổ thông mới đi xuất khẩu, mà nhiều bạn có trình độ cũng có cơ hội khi đi làm việc, thậm chí có thể trở lại học tập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trương Thanh Nhàn cho biết, hướng tới, UBND huyện Phú Tân tiếp tục phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết với các công ty có uy tín để tạo điều kiện cho thanh niên trên địa bàn có nhiều cơ hội làm việc với thu nhập cao. “Em nào có điều kiện sau khi tốt nghiệp học tiếp lên đại học thì quá tốt. Còn những em muốn học nghề và đi xuất khẩu lao động để phù hợp sở thích, sở trường, hoàn cảnh… huyện rất khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, nhất là chính sách hỗ trợ kinh phí hiện nay đã lên đến 80%” - ông Nhàn thông tin.
MỸ HẠNH