Học sinh tham gia Tư vấn
Chọn ngành nghề là một trong những quyết định quan trọng của học sinh lớp 12. Chương trình “Tư vấn mùa thi” hỗ trợ học sinh, phụ huynh tiếp cận các nguồn tin chính thống một cách hiệu quả để có cái nhìn tổng quan và chính xác nhất về các chương trình học, ngành nghề. Chương trình còn có tác động đến các trường THPT trong hoạt động hướng nghiệp chính khóa.
Vừa qua, Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi 2023” cho gần 1.000 học sinh lớp 12 ở TP. Long Xuyên và các huyện Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn tham dự trực tiếp.
Để giúp 19.356 học sinh lớp 12 toàn tỉnh và phụ huynh theo dõi, chương trình “Tư vấn mùa thi 2023” còn được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; đồng thời xem trực tuyến tại các nền tảng điện tử và các trang mạng xã hội của Báo Thanh Niên, Báo An Giang (thanhnien.vn, baoangiang.com.vn, YouTube, Fanpage…).
Nhiều trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực ĐBSCL, như: Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Việt Đức, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học An Giang, Đại học Đồng Tháp, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT Cần Thơ, Đại học Cửu Long… tham gia tư vấn, hướng nghiệp cách lựa chọn ngành nghề, chế độ chính sách khi học sinh tham gia học tại các trường.
Tại buổi tư vấn, đại diện các trường thông tin về những ngành nghề cho nhu cầu phát triển của tỉnh và khu vực thời gian tới. Đồng thời, thông tin tuyển sinh năm 2023 của trường có những nét mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu này; tư vấn những lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh của ĐBSCL mà thí sinh cần quan tâm và có nhiều cơ hội việc làm…
Học sinh lớp 12 các trường THPT trong tỉnh đặt ra nhiều câu hỏi để các thầy cô tư vấn, về: Cách tính điểm ưu tiên khu vực năm nay? Thí sinh thuộc khu vực ĐBSCL có thay đổi gì về điểm ưu tiên không? Trong thời đại công nghệ phát triển, mọi thứ đều có thể dùng máy móc thay thế, công nghiệp hóa khắp nơi, học ngành nông nghiệp có bất lợi không? Cơ hội việc làm của khối ngành này như thế nào? Học sinh nên chọn nghề theo sở thích, năng lực hay nhu cầu lao động? Nếu chọn theo sở thích, khi ra trường không nhiều cơ hội việc làm thì có lãng phí không? Trong trường hợp đó, cần làm gì?...
Một vấn đề quan tâm hiện nay là ChatGPT đã khiến nhiều người dự đoán có thể thay thế con người ở một số công việc, thậm chí như lập trình ở mức độ trung bình, việc dạy và học ngoại ngữ… Những ngành học liên quan có bị ảnh hưởng bởi công cụ này hay không? Sau 4 - 5 năm tới, sinh viên ra trường liệu có bị cạnh tranh nghề nghiệp với công cụ này?
ThS Nguyễn Hoàng Thiên Thư (Trường Đại học Việt Đức) chia sẻ, trên thế giới đang xôn xao về sự xuất hiện của ChatGPT. Thực ra, ChatGPT là một sản phẩm tất yếu của nền công nghiệp 4.0. Nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, điểm chung là phát triển ra các công cụ để giải phóng sức lao động giúp con người sáng tạo nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn.
"ChatGPT thực chất chỉ là công cụ. Trong xã hội loài người, chưa bao giờ có một công cụ nào thay thế được con người; con người chỉ được thay thế bởi những người biết sử dụng những công cụ hiện đại hơn. Nên chúng ta và các em học sinh không nên quá lo lắng việc ChatGPT có thay thế được chúng ta hay không. Mà nên quan tâm ở việc, thông qua sử dụng ChatGPT sẽ giúp chúng ta có thêm những kỹ năng và thông tin để sáng tạo hơn, học tập tốt hơn, cơ hội công việc tốt hơn”- ThS Nguyễn Hoàng Thiên Thư nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trong hệ thống của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sinh viên Trường Đại học An Giang sẽ được đội ngũ giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm, cùng với cơ sở vật chất, khoa học - công nghệ… để hỗ trợ trong quá trình học tập, đào tạo. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có học lực tốt có thể được xem xét hỗ trợ bằng các chính sách phù hợp. Trường luôn đồng hành cùng sinh viên, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho An Giang và ĐBSCL…
Để tạo điều kiện cho học sinh nghèo có thành tích học tập tốt, có ý chí vươn lên trong cuộc sống có điều kiện đến lớp, dịp này, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học FPT Cần Thơ trao tặng 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhằm hỗ trợ học sinh có phương tiện phục vụ việc học tập trực tuyến, Báo Thanh Niên phối hợp Tập đoàn Công nghệ Xelex trao tặng 40 máy tính bảng cho các trường tiểu học còn gặp khó khăn ở huyện Châu Thành...
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh cho biết: “Chương trình “Tư vấn mùa thi” rất có ý nghĩa, chúng tôi rất vui khi chương trình chọn An Giang để tổ chức tư vấn cho học sinh. Chương trình thật sự là cầu nối, để các em được tiếp cận với thông tin hữu ích về các trường đại học và gợi mở giúp các em chọn ngành nghề tương lai phù hợp với năng lực của mình”.
HỮU HUYNH