Tư vấn tuyển sinh trực tiếp

21/03/2019 - 07:38

 - Nhằm giúp các em thí sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học, cao đẳng, Ban Tư vấn tuyển sinh (Trường Đại học An Giang) đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh tại các trường THPT trong tỉnh. Việc làm ý nghĩa này đã tạo cầu nối trao đổi trực tiếp giữa cơ sở đào tạo và người học, giúp các em tự tin hơn khi lựa chọn nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sắp tới.

Theo Ban Tư vấn tuyển sinh, hoạt động tư vấn tuyển sinh được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Ban Tư vấn được thành lập là những trưởng, phó khoa, thạc sĩ chuyên ngành am hiểu về ngành nghề đào tạo, nắm bắt những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia, những quy chế tuyển sinh mới nhằm cung cấp thông tin chính xác và giải đáp các thắc mắc của thí sinh về kỳ thi. Ở mỗi huyện, thị xã, thành phố, Ban Tư vấn tuyển sinh phối hợp các trường THPT tổ chức gom học sinh ở 3 hoặc 4 trường về 1 điểm trường để thuận lợi cho việc tư vấn. Trong quá trình tư vấn, các giảng viên luôn khuyến khích học sinh đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt để các em không phải băn khoăn về sự lựa chọn của mình.

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các ngành đào tạo giáo viên. Các ngành còn lại tùy theo loại hình đào tạo sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hoặc sử dụng kết quả xét học bạ bậc THPT. Năm nay, Trường ĐHAG tuyển 3.000 chỉ tiêu, trong đó trình độ đại học 2.480 chỉ tiêu, với 39 ngành, trình độ cao đẳng 16 ngành, với 520 chỉ tiêu.

Học sinh được tư vấn tại Trường THPT Nguyễn Bình Khiêm

Ở nhóm ngành trình độ đại học, các câu hỏi của học sinh xoay quanh ngành mới đang xin mở là ngành Sư phạm âm nhạc và Sư phạm thể chất; ngành Luật mở rộng 3 chuyên ngành (Luật Kinh tế, Luật Hành chính, Luật Hình sự), ngành Công nghệ thông tin (gồm Công nghệ thông tin và An toàn thông tin), ngành Ngôn ngữ Anh chất lượng cao, ngành Văn học, ngành Triết học. Bạn Phạm Diễm My (Trường THPT Cần Đăng, Châu Thành) hỏi về ngành Văn học sau khi ra trường có thể làm ở đâu, nếu thích làm phóng viên, biên tập viên có thể theo học ngành này không. Câu hỏi được giảng viên Khoa Sư phạm trả lời: ngành Văn học có thể làm được nhóm ngành văn hóa - xã hội như: các cơ quan truyền thông, trung tâm văn hóa, cán bộ, viên chức cấp xã, huyện, các ngành xã hội, mặt trận, đoàn thể, hội liên hiệp văn học - nghệ thuật. Bạn Trương Thế Vinh (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Châu Thành) hỏi về ngành Việt Nam học được học những gì, cơ hội việc làm ra sao. ThS Lâm Thị Mai Sương Tú (Khoa Du lịch và Văn hóa Nghệ thuật) thông tin: “Ngành Việt Nam học, các em có thể theo học 2 ngành Hướng dẫn viên du lịch và quản lý nhà hàng - khách sạn. Trong quá trình học, các em sẽ được tổ chức rất nhiều đợt thực tập, đi thực tế để tìm hiểu về tuyến điểm du lịch, hệ thống các nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch và nếu tiếng Anh tốt các em có cơ hội việc làm tại các khu du lịch, resort, công ty lữ hành”.

Các ngành được học sinh quan tâm nhiều là: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học. Bạn Ngô Thị Thùy Trang (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) hỏi về ngành Công nghệ sinh học, cơ hội việc làm sau khi ra trường. Giảng viên Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên trả lời, đó là ngành chuyên nghiên cứu những sản phẩm công nghệ cao có thể phục vụ nhiều ngành như: nông nghiệp, công nghiệp, y học. Cơ hội việc làm cao vì nhu cầu cần người nghiên cứu và ứng dụng sản xuất tại các viện nghiên cứu và các nhà máy sản xuất.

Bên cạnh các câu hỏi về chuyên ngành, nhiều thí sinh còn băn khoăn về mức học phí, giá trị bằng cấp, học bổng tài trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ hội du học của các ngành nghề. ThS Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng phòng Công tác sinh viên chia sẻ: “Hàng năm, trường dành trên 9 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên có thành tích học tập tốt, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trường tích cực vận động các tổ chức, quỹ khuyến học hỗ trợ thường xuyên cho sinh viên nghèo hiếu học, giới thiệu việc làm thêm, tạo cơ hội thực tập và liên kết với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội việc làm ngay khi hoàn thành chương trình học”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG