Tuần đầu Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đạt nhiều kết quả quan trọng

28/10/2018 - 19:27

Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước; lấy phiếu tín nhiệm với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu...

Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc bận rộn đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là: Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm tính nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đồng thời tìm ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã nghe Tờ trình giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với 99,79% số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ “Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy, yêu mến, nhưng lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước”. Giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, thành tích là lớn lao nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhiều nhiệm vụ nặng nề đặt ra trước mắt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý: tuyệt đối không được chủ quan thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi và càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế mà phải luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, diễn biến tình hình thế giới khó lường”.

Việc Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là hợp ý Đảng lòng dân. Kỳ vọng lớn nhất của cử tri và đại biểu Quốc hội là khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ có sự thống nhất trong chủ trương đường lối, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng và tinh giản biên chế sẽ được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được số phiếu tín nhiệm cao, đứng đầu khối Quốc hội và Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhất với 137 phiếu tín nhiệm thấp, chỉ có 140 phiếu tín nhiệm cao.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng hình thức bỏ phiếu kín đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, các đại biểu khẳng định đã phát huy được tính khách quan, tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát. Với các chức danh nhận được tín nhiệm cao như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và một số bộ trưởng, trưởng ngành đã phản ánh đúng nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và một số bộ ngành qua nửa nhiệm kỳ.

Việc một số chức danh không đạt phiếu tín nhiệm cao không phải người đó không đủ phẩm chất làm Bộ trưởng, trưởng ngành. Việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giám sát và nhắc nhở các Bộ trưởng, trưởng ngành cố gắng hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành đó.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng: “Có những Bộ trưởng ngồi vào ghế rất nóng, có thể không tạo ra hậu quả nhưng là người kế tục giải quyết những hậu quả từ những năm trước để lại, những vấn đề này đòi hỏi sự cố gắng gấp đôi”.

Trong 2 ngày thảo luận sôi nổi tại hội trường về các vấn đề về kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ đã có 88 đại biểu quốc hội phát biểu đưa ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội. Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế được các đại biểu Quốc hội ghi nhận là: tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua, bình quân 3 năm đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%), riêng năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng phấn đấu cao hơn mức này; quy mô nền kinh tế tăng lên 1,33 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD/người/năm.

Dù thảo luận tại tổ hay hội trường, nhiều đại biểu lạc quan kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Các đại biểu ví nền kinh tế đang giống như một “bức tranh đẹp”, tuy nhiên vẫn có những “nét nhám” như quá trình cổ phần hóa còn chậm; về tính bền vững khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đồng thời đề nghị đẩy nhanh tốc độ xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Không băn khoăn sao được khi tính bền vững và chất lượng tăng trưởng chưa thực sự vững chắc; năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, chưa được cải thiện rõ nét; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải; trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ quan điểm coi trọng đầu tư FDI nhưng không phải và càng không thể bằng bất cứ giá nào. Bên cạnh đó, một số ý kiến lo lắng về Chính phủ chuyển mục tiêu lạm phát “cứng” dưới 4% sang mục tiêu “mềm" là khoảng 4% là bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả khó lường…

Để bảo đảm tăng trưởng bền vững, các đại biểu đề nghị có những giải pháp khắc phục các thách thức của xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại của một số quốc gia, biến đổi khí hậu, môi trường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tránh lạm phát và suy thoái chu kỳ, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội,… giữ vững quốc phòng an ninh, tăng cường công tác xây dựng chính quyền và đổi mới hoạt động tư pháp.

Cũng trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và nghe Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc.

Theo chương trình, sang tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; Thảo luận ở hội trường về tình hình ngân sách, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghe tờ trình và thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan./.

Theo LẠI HOA (VOV)