Tưng bừng Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

25/05/2022 - 06:55

 - Lễ hội truyền thống cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Sau 2 năm tối giản các nghi thức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, năm nay, lễ hội lại rộn ràng, có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh An Giang, các sở, ngành và đông đảo nhân dân.

Rước kiệu Bà Chúa Xứ núi Sam xuống núi

Những ngày qua, hàng ngàn du khách đổ về TP. Châu Đốc tham dự Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian được diễn ra hàng năm tại miếu Bà Chúa Xứ (phường Núi Sam). Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 27/5 (nhằm ngày 22 đến 27/4 âm lịch).

Rơi vào ngày nghỉ cuối tuần, lượng du khách đến TP. Châu Đốc đông nghịt. Sáng 22/5, từng dòng xe môtô, ôtô nối đuôi nhau tụ về phường Núi Sam. Anh Nguyễn Trung Quân (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vui vẻ chia sẻ: “Lễ hội Vía Bà năm nào gia đình tôi cũng đi, chỉ gián đoạn năm 2020 và 2021 do dịch bệnh COVID-19. Năm nay, qua báo chí, tôi biết lễ hội được tổ chức bình thường trở lại. Gia đình tôi đến Châu Đốc từ hôm thứ bảy, đi chơi vòng quanh thành phố, chờ tham gia Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam và cúng Bà”.

Vào 14 giờ 15 phút, ngày 22/5, đoàn lãnh đạo tỉnh, TP. Châu Đốc (do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi làm trưởng đoàn) thực hiện nghi thức dâng hương, bắt đầu chương trình lễ phục hiện. Nhà bia liệt sĩ TP. Châu Đốc. Đúng 15 giờ, chương trình sân khấu hóa phục dựng nghi thức lên đỉnh núi Sam rước tượng Bà Chúa Xứ xuống núi; dâng hương anh hùng, liệt sĩ, đánh trống khai hội… được bắt đầu.

15 giờ 30 phút, đoàn rước Bà khởi hành lên núi. Dòng người xuất phát từ chân núi Sam dần dần tiến lên đỉnh núi. Khi tốp đầu đến nơi bệ đá đặt tượng Bà thì tốp cuối vẫn còn nối đuôi nhau ở chân núi. 16 giờ 30 phút, nghi thức dâng hương, thỉnh Bà được thực hiện trên đỉnh núi Sam theo cổ lệ. 17 giờ 30 phút, đoàn rước tượng Bà xuống tới chân núi trong sự nghênh đón của hàng ngàn người dân, du khách; từng đoàn lân nổi trống ở mỗi chặng đường.

Khi mặt trời vừa khuất bóng, đoàn rước tiếp tục nghinh kiệu Bà về miếu thờ trong không khí trang nghiêm, náo nức. 18 giờ, trong lúc đoàn di kiệu, 220 diễn viên lễ hội đường phố tập trung tại ngã ba Bưu điện (phường Núi Sam) nhảy múa, tạo không khí vui tươi, sôi động. 18 giờ 30 phút, nghi thức nhập miếu được thực hiện với màn múa lân, sư, rồng trước cổng miếu.

19 giờ, một sân khấu được dàn dựng công phu, rực rỡ cờ, đèn. Diễn viên múa biểu diễn các tiết mục đặc sắc mô tả về truyền thuyết Vía Bà: Dân làng trai tráng lực lưỡng không khiêng nổi Bà. May thay, Bà đạp đồng chỉ dẫn, yêu cầu 9 cô gái đồng trinh khiêng. Khi đến miếu Bà ở chân núi thì họ không khiêng nổi nữa. Bà Châu Thị Tế cùng dân làng lập miếu tại đây để thờ.

Sau đó, các diễn viên múa trong vai 4 dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất An Giang (Kinh, Chăm, Hoa, Khmer) quy tụ về miếu, dâng lên Bà những lễ vật đặc trưng của dân tộc mình, cùng cầu mong cuộc sống no ấm, thái bình. 19 giờ 30 phút, các bô lão di kiệu từ sân khấu nhập miếu. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện nghi thức dâng hương Bà Chúa Xứ núi Sam.

“Chương trình lễ phục hiện xây dựng trên những cứ liệu sinh động về thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, sự giao lưu, hội nhập về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.

Thông qua chương trình, chúng tôi muốn du khách trong và ngoài nước hiểu sâu sắc ý nghĩa truyền thuyết độc đáo của địa phương. Qua đó, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút du khách gần xa về TP. Châu Đốc tham quan, du lịch” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi chia sẻ.

Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan cho biết, sau lễ phục hiện rước tượng Bà, những ngày tiếp theo sẽ diễn ra Lễ tắm Bà bằng nước pha 9 loại hoa; Lễ túc yết và xây chầu; Lễ cúng chánh tế… Cuối lễ là Lễ thỉnh sắc thần (tức lễ rước sắc Thoại Ngọc Hầu cùng chư vị về lại lăng vào ngày 27/4 âm lịch). Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày càng chứng tỏ là lễ hội văn hóa dân gian lớn, mang đậm nét tâm linh, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

THU THẢO