Túng quẫn làm liều

09/10/2023 - 06:00

 - “Trong lúc dịch bệnh không có thể trả tiền thuê xe và tiền vay nợ, bị cáo túng quẫn không biết cách nào khác nên mới làm liều, mang xe ôtô của bị hại nhờ người quen giới thiệu cầm cố, lấy tiền đi làm ăn xa, cố gắng kiếm lại cho đủ tiền chuộc xe và trả nợ. Nhưng do làm không được nên tiền cũng hết, vì vậy bị cáo không còn khả năng trả nợ nữa…” - bị cáo Hà Văn Đoàn (sinh năm 1968, ngụ Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) thành khẩn khai nhận việc làm sai trái của mình nhằm giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bị cáo Đoàn trả giá đắt vì hành vi bộc phát

Theo lời khai nhận tại phiên tòa, bản thân Đoàn là một người thợ hành nghề sửa máy, thường đi nhiều nơi để sửa khi khách có nhu cầu nên khi đến TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) thì quen biết với Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1971, khóm Đông An, phường Mỹ Xuyên). Sau thời gian làm ăn tại đây, Đoàn muốn mở rộng phạm vi làm ăn ra nhiều địa bàn khác nên Đoàn có ý định tìm thuê xe ôtô tự lái để phục vụ công việc sửa chữa máy móc cho khách hàng ở xa khi có yêu cầu sửa máy tận nơi.

Khoảng tháng 11/2021, Đoàn liên hệ nhờ Hiền giới thiệu thuê xe ôtô 7 chỗ của Nguyễn Hùng Vũ (sinh năm 1984, ngụ phường Thới Thạnh, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) là cháu ruột của Hiền. Thông qua sự quen biết nên Vũ tin tưởng, ngày 23/11/2021, Đoàn ký hợp đồng thuê xe ôtô biển số 65A - 188.31, loại 7 chỗ của Vũ với giá 15 triệu đồng/tháng.

Vài tháng đầu, Đoàn sử dụng xe cho việc đi lại và trả tiền thuê đúng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Đoàn chỉ trả cho Vũ 7 triệu đồng, số tiền còn lại Đoàn xin nợ và hứa sẽ thanh toán chung lần tiếp theo.

Trong thời gian này, Đoàn cũng vay mượn nợ của người này để trả cho người kia nên dần dần bị mất khả năng trả nợ. Khi bị nhiều chủ nợ điện thoại đòi tiền, trong đó có Vũ nên Đoàn nảy sinh ý định đem xe ôtô của Vũ đi cầm, mục đích trả bớt một phần nợ nần, rồi bỏ đi làm xa để khi nào có tiền sẽ quay về trả lại cho Vũ...

Để không bị phát hiện, Đoàn điện thoại qua ứng dụng Zalo cho Đặng Thị Diễm (sinh năm 1976, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết do đang kẹt tiền, muốn cầm xe ôtô mới mua nhưng chưa sang tên với giá 150 triệu đồng, rồi sau đó chuộc lại. Tuy nhiên, Diễm lại không đồng ý cầm. Không biết ai, Đoàn tiếp tục nhờ Diễm tìm chỗ cầm dùm. sau khi suy nghĩ, Diễm điện thoại kêu Đoàn liên hệ với Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1983, ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) để Phong dẫn Đoàn đến chỗ khác cầm xe.

Theo đó, Phong kêu Đoàn mang xe đến quán cà-phê gần UBND xã Định Yên gặp Phong và Đinh Tuấn Nghĩa là chủ tiệm cầm đồ. Tại đây, Đoàn nói dối với Nghĩa là xe ôtô vừa mới mua nên chưa kịp sang tên mà lại đang kẹt tiền gấp, vì vậy mới mang cầm. Thông qua sự quen biết, Nghĩa đồng ý nhận cầm với giá 200 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng, sau khi ký xong hợp đồng cầm đồ, Nghĩa chuyển khoản 200 triệu đồng cho Đoàn.

Riêng Vũ, chờ đến ngày thanh toán tiền thuê xe và tiền còn nợ nhưng không thấy Đoàn đến nên liên hệ thì Đoàn cố tình tìm đủ mọi cách trốn tránh, rồi tắt điện thoại di động, cắt tất cả thông tin liên lạc với mọi người. Qua nhiều lần liên lạc và hỏi thăm nhiều người mà vẫn không thấy Đoàn ở đâu. Nghi vấn bị lừa, Vũ tra cứu định vị phát hiện xe ôtô Vũ đã bị Đoàn đem đi cầm cho Nghĩa. Ngày 10/9/2022, Vũ làm đơn tố giác hành vi của Đoàn.

Qua quá trình đều tra ban đầu, xác định được hành vi phạm tội của Đoàn, ngày 3/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can nhưng không tìm được Đoàn nên ngày 25/4/2023 ra quyết định truy nã bị can đối với Hà Văn Đoàn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau thời gian bỏ chỗ ở đi kiếm tiền trả nợ ở xa, khi hay tin bị truy nã, ngày 18/5/2023, Đoàn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đầu thú và thừa nhận hoàn hành vi phạm tội của mình. Với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để mang tài sản của bị hại đi cầm cố lấy tiền của bị cáo Đoàn đã phạm vào khoản 4 (phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm) Điều 1750 (tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”). Căn cứ kết quả định giá tài sản xác định xe ôtô biển số 65A - 188.31, trị giá 500 triệu đồng, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo 12 năm tù.   

Qua vụ án này, cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân cho thuê xe tự lái cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm, cần xác minh kỹ thông tin của người thuê xe, thực hiện đầy đủ các thủ tục, biện pháp ràng buộc pháp lý đối với khách thuê xe ôtô nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Theo các chuyên gia nghiên cứu luật cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Theo quy định trên, chỉ có chủ sở hữu của tài sản mới được cầm cố, thế chấp tài sản của mình. Nếu có xảy ra trường hợp, một người dùng tài sản của người khác (không được người đó đồng ý) để thế chấp, cầm cố thì giao dịch cầm cố, thế chấp có dấu hiệu vô hiệu. Trường hợp nhận cầm cố, thế chấp tài sản mà biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có thì người nhận thế chấp, cầm cố có thể bị xử lý hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

NGUYỄN HƯNG