Thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, trong mấy năm gần đây, các trường đại học trên cả nước đã có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau như: tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển theo học bạ, đánh giá năng lực... Với nhiều hình thức xét tuyển phong phú, các trường đã tạo cơ hội trúng tuyển nhiều hơn cho thí sinh. Tuy vậy, trong mùa tuyển sinh năm nay một số trường cũng nêu ra một số lo ngại về việc xét tuyển từ học bạ quá nhiều.
Một số trường cũng nêu ra một số lo ngại về việc xét tuyển từ học bạ quá nhiều.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2019 của các trường đại học và cao đẳng, trung cấp khối ngành sư phạm là hơn 489.000 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT là hơn 341.000 chỉ tiêu (tương đương năm 2018); số chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác (bao gồm xét tuyển theo học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp,…) là hơn 147.000 (tăng 36.000 so với năm 2018); chỉ tiêu khối ngành sư phạm là hơn 46.000 chỉ tiêu. Trong các phương thức xét tuyển này nổi lên vấn đề xét tuyển bằng học bạ khi một số trường mạnh dạn mở rộng tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức này lên tới 30% hoặc nhiều hơn.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT cho rằng, về nguyên tắc, thí sinh sẽ chỉ xác nhận nhập học vào một trường duy nhất, nhưng trong quá trình xét tuyển sẽ gây rối cho hệ thống khi thí sinh xét tuyển bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Hiện tại vẫn là phần lớn 70% dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia dù sao 30% kia hệ thống sẽ có những cái rối nhất định. Chẳng hạn như một thí sinh vừa đăng ký tuyển học bạ vào một trường nào đấy, vừa được trường nào đấy tuyển thẳng theo kết quả là học sinh giỏi của các trường tốt mà lại vừa đăng ký theo nguyện vọng 1-2-3-4 vào các trường khác nữa thì cùng một lúc có 3-4 kết quả thì khi đấy sẽ hơi khó cho chuyện nắm bắt tức thời tình trạng tuyển sinh của từng trường như thế nào”, ông Tùng nói.
Khi các trường tăng cường tự chủ tuyển sinh thì phương thức xét tuyển cũng sẽ đa dạng hơn là điều tất yếu, kéo theo tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm nay, dù chưa đến đợt xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì một số trường đã yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển từ kết quả học bạ.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là sự cạnh tranh không lành mạnh và cũng gây bất lợi cho thí sinh: “Một số trường xét tuyển theo học bạ, hình thức xét tuyển thẳng nhưng yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước khi việc xét tuyển chung từ đầu tháng 8. Như vậy là mất đi sức cạnh tranh, bình đẳng giữa các trường. Thứ 2 nữa là đối với thí sinh, nhiều em đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn xét tuyển thẳng, học bạ hay là lấy kết quả thi THPT quốc gia để vào được ngành, vào trường theo nguyện vọng của các em đó. Nếu các trường yêu cầu các em phải nộp hồ sơ sớm, xác nhận trúng tuyển sớm thì có nghĩa là chúng ta đã tước đi quyền của các em được lựa chọn trong đợt xét tuyển chung”.
Theo các chuyên gia, vốn dĩ, phương thức xét tuyển theo học bạ, tức là kết quả học tập bậc phổ thông được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhưng tại Việt Nam thì kết quả học tập chưa đủ độ tin cậy để thuyết phục được các trường top đầu xét tuyển.
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: “Hiện nay các trường top trên ít xét học bạ lý do là người ta chưa tin tưởng vào kết quả đánh giá đấy, thường là các thầy cô cũng có nới rộng một chút. Hiện nay Đại học quốc gia có thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT năm nay, xem là ví dụ trường đấy 90% khá và giỏi nhưng kết quả thi trung học phổ thông có đạt được 90% khá và giỏi hay không. Từ đó tôi nghĩ đó là một chỉ số rất tốt để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể căn cứ cũng như cơ sở giáo dục căn cứ xem xét lại và trên cơ sở đó thì chính sách xét tuyển học bạ ngày càng chuẩn xác và tốt hơn”.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ cũng chỉ ra một số bất cập trong phương thức xét tuyển học bạ của một số trường như: thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ ràng; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp THPT,… Vì vậy, Bộ Giáo dục cũng khuyến cáo các trường tuyển sinh nhiều phương thức thì cần xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào; so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau để đảm bảo tuyển sinh và đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.
Theo MINH HƯỜNG (VOV)