Tuyển sinh 2020: Dự kiến điểm chuẩn những trường top đầu sẽ tăng

27/08/2020 - 19:15

Theo đánh giá của các chuyên gia, phổ điểm năm nay có phân bố hợp lý, đúng định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng có sự phân hóa tốt để các trường đại học yên tâm xét tuyển. Dự kiến điểm chuẩn của một số trường "top" có tăng so với năm ngoái.

Các trường đại học yên tâm xét tuyển 

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Phổ điểm năm nay có phân bố hợp lý, đúng định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng có sự phân hóa tốt để các trường đại học yên tâm xét tuyển.  


Phổ điểm năm nay phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Ảnh: MP

Từ những kết quả được công bố, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, số liệu thống kê điểm tuyệt đối cũng như số điểm liệt, mức điểm trung bình các môn cho thấy đề thi được điều chỉnh rất hợp lý, đúng định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua đó, có được sự an tâm về tính khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.        

Qua phân tích phổ điểm, TS Lê Thống Nhất cho biết, “không có hiện tượng đó mưa điểm 10”. Số lượng điểm 10 ở tất cả các môn thi so với số lượng bài thi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. 

Về công tác tuyển sinh đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, TS Lê Thống Nhất cho rằng, các đại học có thể tin tưởng và yên tâm là tuyển sinh được. 

“Số học sinh trúng tuyển vào đại học hàng năm chỉ chiếm 30- 35% tổng số thí sinh dự thi nên đứng ở góc tuyển sinh đại học ta chỉ nhìn ở phần 30- 35% của top điểm. Với phổ điểm thi năm nay, tuy không được tuyệt đối như những năm trước, nhưng cũng đã khẳng định là kỳ thi khách quan, điểm số đáng tin cậy để xét tuyển đại học.

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, năm nay trong bối cảnh dịch bệnh, mục tiêu của kỳ thi phục vụ cho đánh giá tốt nghiệp là chính nhưng kết quả điểm thi và phổ điểm thi không chỉ “đẹp” cho phần thi tốt nghiệp mà còn giúp cho công tác tuyển sinh của các trường đại học được thuận lợi.

Ông Quách Tuấn Ngọc khẳng định, việc tổ chức kỳ thi bình thường là cần thiết, vì nếu bỏ thi sẽ thiệt thòi cho những học sinh có mong muốn xét tuyển vào đại học.

“Trong điều kiện khó khăn, có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi thành công, tạo công bằng cho các em học sinh, nhất là những học sinh có nguyện vọng vào đại học”, ông Ngọc nói.  

Đông thời, ông Quách Tuất Ngọc cho rằng: “Đề thi năm nay vừa đảm bảo sàng lọc học sinh, vừa phục vụ tốt cho hoạt động tuyển sinh của các trường đại học”. 

Điểm chuẩn sẽ tăng, tuỳ ngành

GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, qua kết quả công bố điểm, có thể thấy đề thi có sự phân loại rất tốt để các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội yên tâm chọn được những học sinh giỏi và xuất sắc vào những ngành "hot", có sức cạnh tranh cao cũng như những ngành đào tạo tài năng và chất lượng cao.      

“Với phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển cơ bản như đã công bố, tôi dự kiến mặt bằng chung của điểm trúng tuyển năm nay, sẽ tăng từ 2- 4 điểm so với năm ngoái, tùy thuộc vào từng ngành, từng cơ sở đào tạo”, GS Nguyễn Đình Đức nhận định.      

Trao đổi với báo Tin tức, PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Năm nay phổ điểm cao, điểm trung bình tăng trung bình 1 điểm mỗi môn so với năm ngoái. Dự đoán điểm chuẩn tăng 1-3 điểm, tuỳ ngành. Thí sinh nên tham chiếu điểm chuẩn của năm 2017 vì đây là năm đề khá dễ.

Nhìn nhận về phổ điểm năm nay, PGS TS Bùi Đức Triệu cho rằng điểm 10 không nhiều, trừ môn Giáo dục công dân nên có thể nói, đề dễ nhưng có phân hoá thuận lợi cho xét tuyển đại học.

Đại học Kinh tế Quốc dân dành 40% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp và công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp trước 5-9. Trường dành 60% chỉ tiêu dành cho xét theo điểm thi nên dự đoán điểm chuẩn thi cũng sẽ tăng tương tự từ 1-3 điểm, tuỳ ngành.

PGS TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, năm nay phổ điểm khá cao. Tuy nhiên, thời điểm này trường chưa có quyết định nào cả. 

"Ngày 28-8, Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ họp và thống nhất mức điểm sàn theo phương thức 3 và phương thức 4. Phương thức 3 là xét giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm của 2 môn (Toán - Lý, Toán - Hoá, Toán - Văn). Phương thức 4 là dựa trên tổ hợp xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hệ thống chung. Từ mức điểm sàn đó, thí sinh nộp hồ sơ. Nếu thí sinh nào chưa đạt thì có thể chuyển hướng", PGS TS Vũ Thị Hiền chia sẻ với PV báo Tin tức. 

Một đề thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng có độ phân hóa thấp hơn đề tuyển sinh. Tuy nhiên, đề thi chỉ cần phân hóa ở top trên thì đã giúp được cho công tác tuyển sinh đại học. Nhìn vào top điểm cao ở phổ điểm các môn thi năm nay, tôi đánh giá rằng, các đại học có thể yên tâm tuyển sinh được”, TS Lê Thống Nhất nói.

Theo LÊ VÂN ( Báo Tin tức)