Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua
Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD giảm 0,11%, xuống mốc 104,28 trong bối cảnh giao dịch tổng thể trầm lắng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định kết thúc chiến dịch tái tranh cử của mình, đồng thời tán thành Phó tổng thống Kamala Harris thay thế ông làm ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tới đây.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch |
Sang ngày 24-7, đồng bạc xanh tăng 0,15%, đạt mốc 104,47 khi các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu lạm phát được công bố vào cuối tuần này. Đồng USD phản ứng rất ít với dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà hiện tại của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 6, trong bối cảnh giá nhà trung bình lập mức cao kỷ lục. Dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà đã giảm 5,4% trong tháng trước, xuống mức 3,89 triệu căn, mức thấp nhất kể từ tháng 12. Trong khi đó, giá nhà trung bình đã tăng 4,1% so với một năm trước đó lên mức cao nhất mọi thời đại là 426.900 USD.
Tuy nhiên, đến ngày 25-7, chỉ số DXY lại giảm 0,12%, xuống mốc 104,33 khi thông tin mới công bố cho thấy Chỉ số PMI của Mỹ, theo dõi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên 55,0 trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 4-2022. Mặc dù thị trường ít kỳ vọng vào việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng này, nhưng rất có thể Fed sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ hơn về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng chậm lại trong nhiều tháng.
Đà giảm tiếp tục duy trì tới ngày 26-7 khi đồng USD giảm 0,07%, xuống mốc 104,40. Đồng USD cũng bị suy yếu khi thị trường tuần này tăng đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới, trong khi hiện tại thị trường đang kỳ vọng 100% khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 17 và 18-9, tăng từ mức 97% vào đầu tuần.
Theo đó, GDP thực tế quý II của Mỹ tăng 2,8% (so với cùng kỳ năm ngoái), cao hơn mức kỳ vọng là 2,0% và tăng so với tốc độ tăng trưởng của quý I là 1,4%. Ngoài ra, tiêu dùng cá nhân quý III tăng 2,3%, cao hơn kỳ vọng là 2,0% và tăng so với tốc độ tăng trưởng của quý I là 1,5%. Báo cáo GDP đã giúp xoa dịu nỗi lo của thị trường về việc chi tiêu của người tiêu dùng giảm và nền kinh tế chậm lại.
Để rồi đồng USD chốt tuần giao dịch với việc giảm 0,08%, xuống mốc 104,32, trong bối cảnh chịu áp lực từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sau báo cáo lạm phát của Mỹ, trước thềm đợt nới lỏng lãi suất dự kiến của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Thông tin mới công bố cho thấy Chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 6, đúng như dự kiến, sau khi ổn định trong tháng 5, nhấn mạnh rằng tình hình lạm phát đang được cải thiện. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá PCE tăng 2,5%, theo sau mức tăng 2,6% vào tháng 5, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Tỷ giá USD hôm nay, 28-7-2024: Đồng USD ổn định trong tuần qua. Ảnh minh họa: Reuters |
Tỷ giá USD trong nước hôm nay
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 28-7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 3 đồng, hiện ở mức 24.249 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.