Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn Wam của UAE, doanh nghiệp Group 42 của UAE và CNBG - công ty con của tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc - đã triển khai một dự án chung nhằm khởi động dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại UAE.
Hiện chưa rõ khi nào dây chuyển sản xuất thương mại này đi vào hoạt động. Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al-Nahyan khẳng định dự án này đang góp sức vào các nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tháng 12/2020, UAE đã bắt đầu tiêm phòng quy mô lớn sau khi phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm và vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất. UAE sau đó cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca và trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng nhanh nhất thế giới, chỉ sau Israel.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, UAE đã ghi nhận tổng cộng trên 388.000 ca nhiễm và 1.481 ca tử vong. Vaccine của Sinopharm và vaccine Sputnik V của Nga là hai sản phẩm đã được thử nghiệm giai đoạn ba tại UAE.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan đã thảo luận kế hoạch thiết lập các khu tiêm phòng COVID-19 tại UAE để tiêm chủng cho công dân Trung Quốc ở nước ngoài.
Tại cuộc gặp ở thủ đô Abu Dhabi của UAE, ông Vương Nghị nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng sức khỏe và an toàn của công dân Trung Quốc ở nước ngoài, hy vọng có thể thiết lập các khu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho công dân Trung Quốc ở nước ngoài.
Đáp lại, Ngoại trưởng Sheikh Abdullah nêu rõ với tư cách đối tác chiến lược của Trung Quốc, UAE sẵn lòng triển khai các điểm tiêm chủng để thúc đẩy công tác tiêm phòng COVID-19 cho công dân Trung Quốc tại UAE và các nước láng giềng. UAE sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về kế hoạch hợp tác chi tiết.
* Tại Brazil, cơ quan giám sát y tế Anvisa thông báo đã tạm dừng xem xét đề nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga.
Trong thông báo đăng trên trang chủ, Anvisa cho biết Uniao Quimica, công ty dự kiến sẽ sản xuất vaccine tại Brazil, không cung cấp đủ giấy tờ cần thiết. Cơ quan này nêu rõ mặc dù tạm hoãn hạn chót để xem xét cấp phép, song Anvisa vẫn tiếp tục phân tích các thông tin khác do Uniao Quimica trình lên.
Tuần trước, Anvisa cho biết đã nhận được đề nghị của Uniao Quimica về cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V. Theo Anvisa, hạn chót để cơ quan này xem xét đề nghị phê duyệt khẩn cấp vaccine là 7 ngày hoặc 30 ngày.
Theo trang Our World in Data, sau khi phê duyệt một số loại vaccine phòng COVID-19, ít nhất 6% dân số Brazil đã được tiêm một mũi vaccine.
Theo ĐẶNG ÁNH (Báo Tin Tức)